Thursday, March 28, 2024

Ông Nguyễn Quang A kể chuyện bị chặn gặp TT Obama

Nam Phương/Người Việt


LTS
– Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, 70 tuổi, một nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội tại Việt Nam. Ông và nhiều người khác nộp đơn ứng cử đại biểu quốc hội với tư cách độc lập nhưng đã bị gạt ra ngoài với những lý do nhảm nhí, trái luật. Ông là một trong 15 người thuộc các thành phần xã hội dân sự được tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, mời gặp để nghe ý kiến. Tuy nhiên, ông và 8 người nữa đã bị công an ngăn cản, tại nhà hoặc bắt giữ dọc đường, để không thể đến nơi hẹn. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa nhật báo Người Việt và Tiến Sĩ Nguyễn Quang A về vụ việc này. Cuộc phỏng vấn được thực hiện qua điện thư.

Tiến Sĩ Nguyễn Quang A. (Hình: Facebook)

***

Người Việt (NV): Thưa ông, sao an ninh biết ông là khách mời đến gặp Tổng Thống Obama để họ không cho ông đi như đã hẹn? Họ nghe lén điện thoại hay phía Tòa Đại Sứ Mỹ thông báo cho nhà cầm quyền Việt Nam biết là ông là một trong những người trong các nhóm hoạt động xã hội dân sự được mời tới gặp tổng thống Mỹ?

Nguyễn Quang A (NQA): Tôi nghĩ có thể là cả hai. Việc nghe lén, đọc thư lén là chuyện thường tình của các cơ quan an ninh ở đây (dù nó có phạm pháp theo luật hiện hành). Cũng có thể do nó thuộc chương trình thăm chính thức của tổng thống nên hai bên phải bàn bạc với nhau và phía sứ quán Mỹ cũng có thể chia sẻ thông tin với phía Việt Nam.

Chắc ông phải hỏi họ thì mới có câu trả lời chính xác.

NV: Ông bị chận thế nào? Mong ông thuật lại lời đối đáp của đôi bên?

NQA: Hôm 23 tháng 5, 2016, tại cuộc họp báo chung, khi trả lời câu hỏi về nhân quyền, Chủ Tịch Trần Đại Quang đã hết lời ca ngợi thành tích nhân quyền ở Việt Nam. Cũng đúng trong lúc đó, tôi (và nhiều nhà hoạt động khác), đã bị “quản thúc tại gia” vì hàng chục an ninh canh giữ rất kỹ, không thể đi đâu được và nhà báo Đoan Trang đã bị câu lưu rồi.

Sáng 24, theo hẹn, tôi phải có mặt tại nơi hẹn lúc 7 giờ cho nên tôi đã xuất phát lúc 6:22. Ra khỏi cổng gặp ngay 4 an ninh đã quen mặt từ lâu. Họ để yên cho chúng tôi đi (có nhà hoạt động Phương Bích, vợ tôi và đứa con trai).

Đi được 60-70 mét thì đến ngã ba nơi có hơn chục an ninh xúm lại. Họ hỏi tôi: “Bác đi đâu?” Tôi hỏi lại “Các anh là ai? Các anh có quyền gì mà hỏi?” Vợ tôi quàng tay tôi chặt. Họ lập tức xông vào đẩy vợ tôi ra. Bốn người cầm tay và cầm chân quăng tôi lên một chiếc Santa Fe đậu sẵn ở đó. Toàn bộ việc bắt cóc chỉ diễn ra chưa đầy một phút. Sau đó họ đưa xe lòng vòng để giết thời gian đến tận Hưng Yên. Xe quay về lúc gần 12 giờ và họ thả tôi ở chỗ bị bắt lúc 13 giờ.

NV: Theo ông nhà cầm quyền Việt Nam sợ cái gì khi ngăn chặn ông cũng như nhiều người khác? Ông nghĩ gì về sự ngăn chặn này và đây không phải lần đầu tiên ông bị cản chân khi bước ra đường.

NQA: Tôi cũng hỏi họ câu hỏi như ông đang hỏi. Tôi thực sự không hiểu các vị lãnh đạo Việt Nam sợ cái gì? Tôi chỉ có thể suy đoán: họ sợ mất quyền lực vì chúng tôi công khai cổ vũ cho việc người dân dùng lá phiếu của mình để hạ bệ các quan chức bất tài. Chắc họ sợ cái đấy nhất.

Đây không phải lần đầu, tôi đã bị cả chục lần rồi (phần lớn họ đều thất bại trong việc ngăn chặn do họ chưa dùng đến vũ lực; ba bốn lần gần đây trong vài tháng qua họ đều dùng vũ lực quăng tôi lên xe thì họ cản thành công). Dùng vũ lực là hạ sách, họ biết thế nhưng họ vẫn làm, nhất là mấy tháng gần đây. Điều đó chứng tỏ họ rất lúng túng và ngày càng ở thế yếu.

NV: Nếu được gặp ông Obama, ông trình bày những gì?

NQA: Tôi chỉ có thể nhắc lại những điều mà tôi đã nói cho các trợ lý của tổng thống hay ngoại trưởng khi các ông đó sang đây chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này:

Tăng cường quan hệ với Việt Nam về mọi mặt.

Thuyết phục lãnh đạo Việt Nam rằng họ (hay chí ít ông tổ của họ) có cùng những giá trị mà họ nói là họ theo đuổi cũng chẳng khác gì của người Mỹ (tuyên ngôn độc lập 1945; họ nói họ theo đúng như Lincoln: “nhà nước của dân, do dân, vì dân,” vân vân. Và hãy cố bảo họ rằng người Mỹ chúng tôi là bạn chỉ muốn thấy Việt Nam “giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh” thôi và sẽ giúp họ thực hiện những ước vọng của chính họ. Nói cách khác trên tinh thần rất xây dựng và bạn bè. Bảo họ hãy tự tin hơn. Nhưng thực tế khác lời nói nhiều nên hãy giúp họ thu hẹp khoảng cách giữa các giá trị (giống Mỹ và thực là phổ quát) và thực tiễn (nếu cần qua trợ giúp kỹ thuật).

Gây áp lực mạnh trên mọi phương diện để buộc họ thực thi những cam kết mà Việt Nam đã ký kết trong các công ước quốc tế và như thế có nghĩa vụ thi hành. Chẳng hạn Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị (như thế việc đòi Việt Nam trả tự do vô điều kiện các tù nhân lương tâm, là một thí dụ).

Gây áp lực (và trợ giúp kỹ thuật nếu cần) để sửa luật cho phù hợp với các giá trị mà họ nói họ theo đuổi và sau đó là thực thi luật.

Đừng biến thân phận con người thành món hàng trao đổi giữa 2 bên (vì nó khuyến khích chính quyền Việt Nam bắt nhiều người hơn để làm “tài sản chính trị” trong việc trao đổi; tôi ủng hộ việc nước ngoài nhận tù nhân chính trị trên cơ sở nhân đạo nhưng phản đối họ đổi chác với chính quyền Việt Nam vì đó là cách dễ để xoa dịu dư luận của chính nước ngoài đó, nhưng không căn bản).

NV: Từ chuyện này, ông có nghĩ là trong tương lai, nhân quyền tại Việt Nam có khả năng cải thiện hay không?

NQA: Nhìn về dài hạn tôi lạc quan về sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, tuy trong ngắn hạn có những dấu hiệu đáng lo ngại về sự vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam. Đây là một cuộc đấu tranh gian khổ và dài của người dân Việt Nam và ngày càng nhiều người hiểu thêm về quyền của mình và cứ thế thực thi (tuy đôi khi phải trả giá). Điều này khiến tôi lạc quan. Tuy nhiên, phải rất thực tiễn: còn quá nhiều việc mà người dân Việt Nam (chứ không phải bất cứ ai khác) phải làm. Tất cả tùy thuộc vào chính chúng ta.

NV: Xin cảm ơn ông.

MỚI CẬP NHẬT