Wednesday, May 8, 2024

Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam điêu đứng vì giá dầu giảm


VŨNG TÀU (NV) – Nhiều thành viên của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) đang rên rỉ vì giá dầu giảm nên thua lỗ, một số thành viên đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động.



Một giàn khoan dầu của PVN. Dù giá dầu trên thế giới tiếp tục giảm, PVN vẫn chưa tạm ngưng khai thác dầu, bất chấp lỗ nặng. (Hình: TBKTSG)


Theo PVN thì ngoài Vietsovpetro (liên doanh giữa Nga và PVN) “mất cân đối tài chính” (thực chất là lỗ) 200 triệu Mỹ kim, năm vừa qua, Tổng Công Ty Thăm Dò-Khai Thác Dầu Khí gần như không có lời, doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ lien quan tới dầu khí trong PVN đều giảm doanh thu. Thậm chí một số giàn khoan và tàu dịch vụ có thể không còn việc để làm.


Lần đầu tiên, một phó tổng giám đốc của PVN, tên là Lê Mạnh Hùng, thú nhận, PVN đã “đầu tư dàn trải” vào nhiều dự án nên chi phí cao hơn các đối thủ trong khu vực. Ví dụ, PVN đã chi tiền xây dựng nhà máy xơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng, vốn xa cả nguồn cung cấp nguyên liệu lẫn thị trường tiêu thụ thành ra chỉ riêng chi phí vận chuyển đã cao hơn bình thường đến 50 Mỹ kim/tấn. Cuối cùng, do phải đưa những chi phí đó vào chi phí chung khiến hiệu quả kinh doanh của PVN vốn đã lao đao vì giá dầu giảm trở nên thảm hại hơn.


Xuất cảng dầu thô là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Việt Nam. Cũng vì vậy, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm, ngân sách Việt Nam thất thu nghiêm trọng.


Đầu năm ngoái, ông Nguyễn Văn Nên, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam cho biết, kế hoạch thu – chi ngân sách của Việt Nam năm 2015 từng được hoạch định với giả định rằng, giá dầu thô trên thị trường thế giới sẽ ở mức 100 Mỹ kim/thùng. Cứ giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm một Mỹ kim thì ngân sách Việt Nam thất thu khoảng 1,000 tỷ đồng. Khi giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm xuống còn 30 Mỹ kim/thùng, ngân sách Việt Nam bị thâm hụt khoảng 70,000 tỷ đồng. Nay, ngay vào lúc này, giá dầu thô trên thị trường thế giới chỉ còn hơn 27 Mỹ kim/thùng!


Năm ngoái để bù đắp sự thiếu hụt ngân sách do giá dầu giảm, PVN đã tăng sản lượng khai thác cả dầu lẫn khí thêm 11% so với kế hoạch nhưng cả ngân sách Việt Nam lẫn PVN vẫn không thể thoát ra khỏi tình trạng chật vật.


Một phó tổng giám đốc khác của PVN tên là Lê Minh Hồng, bảo rằng, năm nay, do giá dầu thô trên thị trường thế giới khó có thể tăng lên nên PVN sẽ gặp “muôn vàn khó khăn,” PVN sẽ phải cắt giảm tối đa các chi phí, kể cả giảm sản lượng khai thác (giảm khoảng 2 triệu tấn dầu và khoảng 1 tỷ khối khí) bởi chi phí cao thì càng khai thác nhiều càng lỗ nặng.


Trước nay, các chuyên gia kinh tế vẫn liên tục khuyến cáo chính quyền Việt Nam phải sớm điều chỉnh tình trạng mất cân đối về cơ cấu ngân sách, không để ngân sách phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và hoạt động xuất nhập cảng, vốn rất dễ bị động vì ảnh hưởng từ những biến động khó dự đoán của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên những khuyến cáo này không được chú ý.


Các chuyên gia kinh tế cũng đã từng khuyến cáo PVN nên dừng khai thác những giếng dầu có chi phí cao hơn giá dầu trên thị trường thế giới nhưng PVN không chấp nhận. Dù đẩy mạnh việc khai thác lượng dầu lớn hơn – tài nguyên thiên nhiên mất nhiều và nhanh hơn nhưng kim ngạch xuất cảng và ngoại tệ thu về cho ngân sách vẫn giảm hàng tỷ Mỹ kim. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT