Friday, April 19, 2024

Trung Quốc khoe đáp máy bay thành công trên mẫu hạm Liêu Ninh

 


 


BẮC KINH (NV)Bắc Kinh loan báo chiến đấu cơ J-15 đã cất cánh và hạ cánh thành công trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.







Tấm hình của Tân Hoa Xã, không rõ ngày tháng, cho thấy nhân viên kỹ thuật kiểm tra máy bay khu trục đa năng J-15 trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. (Hình: Tân Hoa Xã)

Cử chỉ này nhằm bắn tiếng khả năng hoạt động quân sự xa bờ của hải quân Trung Quốc đang có những bước tiến quan trọng vào lúc các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng trở nên gay gắt hơn.


“Khả năng của mẫu hạm và chiến đấu cơ J-15 đã được kiểm nghiệm, đạt tất cả các yêu cầu và đạt mức thích hợp tốt,” Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận nhà nước của Trung Quốc, đưa tin theo nguồn tin của hải quân nước này.


Tân Hoa Xã nói từ khi mẫu hạm Liêu Ninh được đưa vào hoạt động từ Tháng Chín đến nay, nhân viên tàu này đã qua hơn 100 cuộc huấn luyện và trắc nghiệm.


“Ðáp thành công đồng thời đánh dấu J-15 là chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ nhất dành cho mẫu hạm lần đầu tiên được sử dụng.” Tân Hoa Xã thuật tin Hải Quân Trung Quốc. “Vẽ kiểu và do Trung Quốc chế tạo, J-15 có thể được trang bị nhiều loại hỏa tiễn chống tàu, không chiến, không kích mặt đất cũng như mang bom điều khiển chính xác.”


Không thấy Tân Hoa Xã cho biết cuộc thử nghiệm cất cánh hạ cánh của J-15 diễn ra thời điểm nào và có bao nhiêu máy bay tham dự cuộc thực tập. Tuy nhiên, trang nhà Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói có bốn chiếc J-15 tham dự cuộc tập huấn thành công.


Tân Hoa Xã chỉ đưa bản tin, nhưng hình ảnh và video clip về cuộc tập luyện này thấy phổ biến trên Hoàn Cầu Thời Báo. Ðài truyền hình Bắc Kinh cũng đưa tin kèm theo video clip.


Tuy Tân Hoa Xã khoe J-15 có khả năng tương tự như máy bay Sukhoi Su-33 của Nga và F-18 Super Hornet của Mỹ, nhiều chuyên gia quốc tế không tin tưởng mấy vào lời tuyên truyền của Bắc Kinh.


Chuyên viên quân sự tin rằng J-15 tuy “vẽ kiểu và do Trung Quốc tự chế tạo” nhưng thật sự nó đã mô phỏng rất nhiều theo kiểu chiến đấu cơ Su-33 của Nga. Những máy bay này sử dụng động cơ phản lực mua của Nga vì động cơ do Trung Quốc tự chế tạo không đủ lực đẩy cũng như độ bền.


Khi tin tức chính thức cho biết hàng không mẫu hạm được đưa vào sử dụng đầu tiên, sau khi sửa chữa và tân trang lại xác tàu cũ Varyag mua của Ukraine, Bắc Kinh trấn an dư luận quốc tế là tàu này chỉ dùng cho mục đích huấn luyện trong khi chờ đợi sản xuất lấy một hay hai hàng không mẫu hạm, nhưng trong tình thế tranh chấp biển đảo, chiến đấu cơ sẽ được điều động, thi hành nhiệm vụ tác chiến chứ không phải chỉ để huấn luyện.


Trước khi trao quyền lại cho ông Tập Cận Bình, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào gần đây kêu gọi trong cuộc họp ở Quốc Hội Bắc Kinh là Trung Quốc phải gấp rút tối tân hóa và tăng cường khả năng quân sự để trở thành một “cường quốc biển”.


Tháng trước, một tướng tình báo của Ðài Loan tiết lộ Bắc Kinh đã khởi sự đóng mới hai hàng không mẫu hạm. Tuy vậy, hiện chưa có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy có tàu nào đang khởi công.


Cuộc họp ASEAN và Trung Quốc ở thủ đô Phnom Penh của Cambodia cách đây một tuần lễ đã không đưa ra nổi một cam kết cụ thể nào về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Ðông hầu tránh các xung đột võ trang.


Dù luôn tuyên truyền mong muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, trong tuần qua, Bắc Kinh xuất bản một bản đồ mới gồm cả hình “lưỡi bò” liếm gần hết biển Ðông. Ðồng thời, Trung Quốc cho làm hộ chiếu điện tử có in hình biển Ðông, gồm cả các khu vực đang tranh chấp, làm cho Việt Nam và Philippines lập tức phản bác.

MỚI CẬP NHẬT