Thursday, March 28, 2024

Việt Nam nhờ quốc tế đối phó với ‘núi’ nợ xấu ngân hàng


Hà Nội (NV) –
Nhà cầm quyền Việt Nam đang có chương trình nhờ các định chế tài trợ quốc tế tư vấn hầu có thể đối phó với cái núi nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng.









Nhân viên chi nhánh ngân hàng ACB ở Hà Nội giao tiền cho khách hàng đến rút vì sợ ngân hàng sập hôm 22 tháng 8, 2012 sau khi lãnh đạo ngân hàng bị bắt cùng với cổ đông lớn Nguyễn Ðức Kiên, tức bầu Kiên. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/GettyImages)


Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, cho hay trong cuộc họp quốc tế ở Hà Nội hôm Thứ Ba là Việt Nam đang yêu cầu sự trợ giúp của Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) hầu có thể quản lý hữu hiệu hơn với nợ xấu ngân hàng và tăng cường hệ thống kiểm soát hệ thống tài chính.


Bản tin phổ biến trên VNExpress trích lời ông Dũng nói rằng, “Tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tăng cường hạ tầng tài chính, đổi mới cơ chế ổn định tài chính.”


Hiện hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang ngập sâu trong một núi nợ xấu mà nhà cầm quyền đang loay hoay không biết phải đối phó ra sao vì nằm kẹt trong các “nhóm lợi ích.”


Ngày 27 tháng 11, 2012, cùng một ngày với cuộc họp của ông Nguyễn Tấn Dũng với các chuyên viên quốc tế, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN ban hành văn bản về “trích lập (quỹ) dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.”


Ông Nguyễn văn Giàu, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước tiết lộ tại Quốc Hội là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại “tính đến ngày 30 tháng 9 là 8.82%, gần gấp đôi so với con số ‘tự kiểm điểm’ của các nhà băng,” theo bản tin VNExpress.


“Ðến nay, tổng dư nợ tín dụng theo ông Nguyễn Văn Bình đạt khoảng 2.7 triệu tỷ đồng. 73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo và trong đó, hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản,” bản tin VNExpress viết. Tức là khoảng 1 triệu tỉ đồng các công ty xí nghiệp vay nợ ngân hàng không có gì bảo đảm.


Giới chuyên viên quốc tế tin rằng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam phải từ 15% đến 20% tổng số tín dụng, không phải con số do Ngân Hàng Nhà Nước đưa ra.


Mấy tháng trước, từng có tin Ngân Hàng Nhà Nước lập một công ty “xử lý nợ xấu” với vốn khoảng 100,000 tỉ đồng để đối phó với cái núi nợ xấu khoảng 202,000 tỉ đồng. Dự án này dự trù “trình lên chính phủ và Bộ Chính Trị” trước ngày 15 tháng 11, 2012 nhưng đến nay vẫn không thấy tin tức gì.


Ngày 7 tháng 9, 2012, Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vội vã cải chính một bản tin thông tấn ngoại quốc nói chế độ Hà Nội có ý định vay tiền của IMF để đối phó với nợ xấu. Bên lề hội nghị “Ổn định tài chính khu vực Ðông Á” ở Hà Nội hôm Thứ Ba, 27 tháng 11, ông Vũ Viết Ngoạn, hiện đang là “Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia” CSVN nói với báo chí là “Việt Nam không cần vay tiền” để đối phó với nợ xấu.


Ngày 11 tháng 10, 2012, báo chí tại Việt Nam loan tin, “Trong năm 2013 phải giảm nợ xấu của ngân hàng thương mại xuống dưới 3%. Ðây là mục tiêu phấn đấu được đưa ra tại báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 và dự kiến kế hoạch 2013 vừa được Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư báo cáo Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội.”


Tiền ở đâu ra để giải quyết đến nay vẫn chưa có gì rõ rệt. Hiện ông Nguyễn Tấn Dũng và Ngân Hàng Nhà Nước CSVN còn phải đi vấn kế IMF, WB và ADB cho thấy Hà Nội đang đặt “cái cày” chỉ tiêu giảm nợ xấu trước “con trâu.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT