Thursday, April 25, 2024

3 dân biểu thúc Bộ Ngoại Giao Mỹ đòi CSVN thả ông Nguyễn Bắc Truyển

WASHINGTON, Hoa Kỳ (NV) – Ba dân biểu thúc giục Bộ Ngoại Giao Mỹ gây áp lực với CSVN trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển nhân dịp hai nước đối thoại nhân quyền.

Vào ngày 6 Tháng Mười dự trù sẽ diễn ra cuộc đối thoại nhân quyền giữa Washington và Hà Nội lần thứ 24. Ba dân biểu Harley Rouda, Zoe Lofgren và Alan Lowenthal vào hôm 2 Tháng Mười gửi cho Ngoại Trưởng Mike Pompeo bức thư thúc giục ông kêu gọi CSVN thả tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển.

Ông Nguyễn Bắc Truyển ra tòa án ở Sài Gòn lần đầu vào năm 2007 vì bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước.” Năm 2017, ông bị bỏ tù lần thứ hai khi bị vu cho tội “Âm mưu lật đổ…” (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Luật gia Nguyễn Bắc Truyển, năm nay 52 tuổi, một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và cũng là một thành viên trụ cột của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông bị chế độ Hà Nội kết án 3 năm rưỡi tù năm 2007 khi bị vu cho tội “Tuyên truyền chống nhà nước” độc tài tham nhũng tại Việt Nam. Ra tù, ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ hóa Việt Nam. Ông đã từng bị công an chìm đánh đập rất dã man ngay trên đường phố.

Năm 2017, ông và hơn chục thành viên chính yếu của Hội Anh Em Dân Chủ bị nhà cầm quyền CSVN kết án tù với các bản án rất nặng khi vu cho họ tội “Âm mưu lật đổ” dù họ chẳng làm gì khác ngoài đấu tranh nhân quyền bất bạo động. Riêng ông Truyển bị kết án 11 năm tù.

“Là một nước ký tên tham gia ký tên vào ‘Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền’ và sau đó ‘Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị,’ CSVN cam kết bảo vệ các quyền tự do căn bản của công dân. Thêm nữa, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp là tất cả các quyền được tuyên dương trong bản Hiến Pháp CSVN, vậy mà nhìn vào trường hợp bỏ tù ông Nguyễn Bắc Truyển cho thấy chế độ Hà Nội ‘còn là con đường xa vời’ mới đạt được nhân quyền.” Bức thư của ba dân biểu nói trên nhận định.

Ông Truyển chẳng có tội tình gì ngoài chuyện giúp đỡ căn bản pháp lý cho những người nông dân khiếu kiện đất đai, giúp đỡ chia sẻ phẩm vật y tế cho các thương phế binh VNCH tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, kêu gọi nhà cầm quyền CSVN tôn trọng nhân quyền.

“Để đạt mục đích chung về nâng cao mối quan hệ giữa hai nước, nhà cầm quyền CSVN phải chứng tỏ thiện chí cải thiện các quyền tự do cá nhân ở trong nước. Việc trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển sẽ tượng trưng cho dấu mốc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam và chứng tỏ chế độ có ý cam kết nâng cao các quyền tự do cá nhân tại Việt Nam,” bức thư nói trên viết.

Theo ba dân biểu, cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước lần thứ 24 tượng trưng cho cơ hội thúc đẩy cải thiện nhân quyền thực chất tại Việt Nam. “Chúng tôi kêu gọi ông bộ trưởng nêu trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển và đòi trả tự do ngay và vô điều kiện cho ông cũng như các tù nhân lương tâm khác.”

Bà Bùi Thị Kim Phượng (giữa), vợ của tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, chụp hình cùng các thành viên của phái đoàn Ủy Ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế đến Sài Gòn vào Tháng Chín, 2019. (Hình: BPSOS)

Đầu Tháng Tư, 2020, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.

Giữa Tháng Hai, tám dân biểu Mỹ đã gửi thư cho Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc thúc giục thả 11 tù nhân lương tâm gồm các ông Michael Nguyễn, Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Châu Văn Khảm, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Viên, Trần Văn Quyền, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Oai, Hồ Văn Hải. Những người này chỉ thực thi các quyền tự do căn bản ghi rõ ràng trên Hiến Pháp CSVN mà bị bỏ tù với các bản án rất nặng.

Lời kêu gọi của các dân biểu, nghị sĩ Mỹ hay Âu Châu hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế không hề có bao nhiêu tác dụng. Chỉ khi nào chế độ Hà Nội cần trao đổi một mối lợi gì đó với Mỹ hoặc Liên Âu thì mới thả một-hai người.

Tháng Mười Một năm ngoái, cơ quan USCIRF nhận bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển. (NT) [kn]

MỚI CẬP NHẬT