Tuesday, May 14, 2024

Bắc Kinh hờ hững ‘kiểm soát tốt bất đồng trên biển’ với CSVN

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông Trung Quốc hầu như nín nặng, trong khi guồng máy tuyên truyền CSVN ra sức kêu gọi “Kiểm soát tốt bất đồng trên biển.”

Hôm Thứ Ba, 21 Tháng Bảy, truyền thông nhà nước như VNExpress, VietNamNet, Người Lao Động, đẽo gọt lại bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tường thuật “Hội nghị trực tuyến phiên họp lần thứ 12 Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc” diễn ra cùng ngày. Dẫn đầu phái đoàn hai bên là ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN, trong khi phía Trung Quốc là ông Vương Nghị, ngoại trưởng.

Dưới tựa đề “Việt Nam-Trung Quốc trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển,” TTXVN kể lể dài dòng về quan hệ mọi mặt giữa hai nước Cộng Sản phát triển tốt đẹp từ kinh tế, chính trị đến xã hội.

Chính trị thì có ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, trao đổi điện thư, điện thoại chúc Tết với ông Tập Cận Bình, chủ tịch; kinh tế thì dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng mậu dịch hai chiều vẫn tăng trưởng được 4.5%.

TTXVN kể rằng ông Phạm Bình Minh “đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để hoạt động thương mại Việt-Trung, trong đó có thương mại biên giới, được triển khai thuận lợi; nhập cảng nhiều hơn nữa các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, nhất là nông sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; chỉ đạo giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn đọng tại một số dự án hợp tác.”

TTXVN viết tiếp rằng ông Vương Nghị “khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan chủ quản xem xét tích cực các đề nghị của Việt Nam. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, môi trường, giao thông-vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.”

Sau đó, TTXVN nói ông Phạm Bình Minh đã “nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất.”

Cuối cùng TTXVN kết thúc bản tin tuyên truyền với câu “Hai bên đánh giá phiên họp thành công tốt đẹp, đạt nhiều thành quả cụ thể, nhất trí sau phiên họp sẽ trao cho nhau danh mục các vấn đề cần phối hợp thúc đẩy để giải quyết trong thời gian tới.” Điều này như chứng tỏ mối quan hệ “đồng chí anh em” Cộng Sản vẫn không có gì sứt mẻ dù có khác biệt quan điểm về chủ quyền biển đảo.

Dân Sài Gòn biểu tình hôm 10 Tháng Sáu, 2018, chống Luật Đặc Khu Kinh Tế mà mọi người nghi nhà cầm quyền CSVN mưu toan bán nhiều vùng trọng yếu của đất nước cho Trung Quốc. (Hình: AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, tìm kiếm trên Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, người ta không thấy có một chữ nào về “Phiên họp lần thứ 12 Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc.” Tìm kiếm trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng không thấy có một chữ nào.

Hôm Thứ Hai, 20 Tháng Bảy, Tân Hoa Xã có một câu duy nhất loan báo có cuộc họp vừa kể họp trực tuyến “via video link” mà đồng chủ tọa là ông Vương Nghị với ông Phạm Bình Minh.

Cho nên, người ta không biết có những điều mà Hà Nội tuyên truyền “Phiên họp thành công tốt đẹp, đạt nhiều thành quả cụ thể” thế nào trên guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh và lời của ông Vương Nghị nói gì với đồng cấp Phạm Bình Minh khi được Tân Hoa Xã đưa tin.

Tuần trước, Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao phản bác lại những phát biểu của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc về “đường 9 đoạn” và “quyền lịch sử” trên Biển Đông từ 2,000 năm trước. CSVN thường xuyên lập lại lời tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với các bằng chứng thực tế và lịch sử “không thể tranh cãi.”

Hồi Tháng Tư, Hà Nội cũng đã gửi công hàm phủ nhận quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.

Một hai ngày nữa, Tân Hoa Xã sẽ có đưa tin gì không, không biết. Chỉ thấy bây giờ Bắc Kinh nín lặng không thấy tường thuật gì về cuộc họp hôm Thứ Ba, 21 Tháng Bảy, khiến người ta có cảm tưởng cuộc họp đó không chắc đã “tốt đẹp” như Hà Nội tuyên truyền. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT