Friday, March 29, 2024

Bão Damrey cấp 15 tăng cường độ, tràn vào Nam Trung Bộ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đến hơn 6 giờ sáng 4 Tháng Mười Một, báo Tuổi Trẻ cho hay bão số 12 đã vào đất liền, thành phố Nha Trang mưa lớn, thị xã Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa và thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên bị mất điện.

Gió càng lúc càng mạnh, làm trốc gốc cây, gãy đổ bảng hiệu, tốc mái nhà… Bão Damrey được chính quyền Việt Nam nhận định là rất mạnh, đồng thời nâng mức độ ảnh hưởng của cơn bão này lên cấp độ 4, chỉ sau thảm họa.

Lúc 6 giờ 15 phút sáng cùng ngày, tại Ninh Hòa, Khánh Hòa, gió quật mạnh kèm mưa cực lớn khiến ngói ở nhiều nhà rơi. Ủy Ban Nhân Dân thị xã Ninh Hòa cho biết một số nhà dân tại phường Ninh Hải bị gió thổi bay mái, hư hỏng nặng. Còn tại Tuy Hòa, Phú Yên, gió lớn làm gãy đổ cột đèn, bảng hiệu, bung cửa sắt nhà dân.

Nhận định cơn bão Damrey (bão số 12), nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Trung Ương, nói: “Bão số 12 được nhận định là rất mạnh, di chuyển nhanh khoảng 15-20 cây số/giờ, khi vào gần bờ bão đi chậm lại nhưng cường độ sẽ tăng lên.”

Theo ông Cường, trong trường hợp nếu bão và không khí lạnh kết hợp lại với nhau như nói ở trên mà tĩnh tại trong khu vực nhỏ, nghĩa là lượng mưa dồn lại trong một khu vực nhỏ thì rất nguy hiểm, có thể gây ra lưu lượng mưa lên tới gần 2,000 mm.

“Hiện nay, một bộ phận không khí lạnh rất mạnh sẽ xuống tới vùng biển khu vực Trung Bộ, Nam Trung Bộ và sẽ gây ra gió mạnh, sóng lớn, mưa lớn, kèm theo đó là sạt lở đất, ngập úng ở các đô thị… Thậm chí, sẽ có hiện tượng lũ chồng lũ từ Trung Bộ đến Nam Trung Bộ như năm 2016.”

“Đây là con bão bão ảnh hưởng trải dài theo diện rộng suốt từ Quảng Bình, Quảng Trị, sau đó từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, đều mưa lũ kỷ lục,” ông nhận định.

Đánh giá về cấp độ rủi ro thiên tai, ông Cường cho biết, theo quyết định của chính phủ CSVN, không loại trừ trong thời gian tới Việt Nam sẽ phải đối mặt với loại hình thiên tai mà cấp độ rủi ro thiên tai trên cấp 3.

Theo báo SGGP, chiều 3 Tháng Mười Một, ông Trịnh Đình Dũng, phó thủ tướng, đã tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó bão số 12 kèm lũ lớn tại sở chỉ huy tiền phương đặt tại tỉnh Khánh Hòa, với sự tham gia của 10 tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, cho biết bão số 12 rất mạnh, ảnh hưởng trên diện rộng. Nghiêm trọng hơn, Nam Trung Bộ vừa trải qua các đợt mưa lớn trên diện rộng nên rất nguy hiểm trong việc xuất hiện tiếp các đợt lũ, an toàn hồ chứa.

Nghiêm trọng hơn, địa bàn Nam Trung Bộ hiện có rất nhiều ngư dân, gia đình nuôi trồng trên biển, nhưng cơn bão này rất mạnh, sóng có thể cao 6-7 mét, nên cần phải có những giải pháp cho người dân rời khỏi nơi nguy hiểm.

Ông Cường cũng báo động nguy cơ vỡ các hồ đập tại Nam Trung Bộ là rất cao vì các hồ chứa đã được xây dựng khá lâu.

Dự báo, trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 cây số, khoảng sáng sớm ngày 4 Tháng Mười Một, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.

Từ ngày 4 đến 8 Tháng Mười Một, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên, và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.

Theo tổng hợp của Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Thiên Tai, hiện kế hoạch di dời, di tản dân tại các vùng xung yếu thuộc các tỉnh chịu ảnh hưởng bão số 12 đã tăng từ hơn 380,000 dân lên hơn 426,000 dân cần sơ tán. (Tr.N)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT