Friday, April 26, 2024

Bất chấp biểu tình, Quốc Hội CSVN chỉ ‘lùi’ chứ không bỏ ‘Luật Đặc Khu’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quốc Hội CSVN hôm Thứ Hai, 11 Tháng Sáu, 2018, chỉ biểu quyết “lùi” việc biểu quyết thông qua dự luật “Đặc Khu Kinh Tế…” đến kỳ họp sau, thay vì dẹp bỏ theo đòi hỏi của quần chúng khắp nơi đang biểu tình.

“Sáng 11 Tháng Sáu, với 423 đại biểu tán thành (tương đương 85.63% số phiếu), Quốc Hội đã biểu quyết nghị quyết điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc Khu) tại kỳ họp thứ 5,” bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết.

Cuộc bỏ phiếu “bấm nút” của Quốc Hội CSVN lùi việc thông qua “Luật Đặc Khu” đến kỳ họp sau dự trù bắt đầu trong Tháng Mười, một ngày xảy ra các cuộc biểu tình tuần hành chống đối với hàng chục ngàn người tại Hà Nội, Sài Gòn và một số tỉnh thị khác trên cả nước.

Hiện tình hình vẫn còn căng thẳng tại Sài Gòn với biểu tình ở trung tâm thành phố và đình công hàng chục ngàn người tại khu công nghệ Tân Tạo, quận Bình Tân. Bạo động vẫn diễn ra tại tỉnh Bình Thuận.

Các “đại biểu Quốc Hội” bấm nút “lùi” biểu quyết luật “Đặc Khu” đến kỳ họp Tháng Mười, 2018. (Hình: Tuổi Trẻ)

Nhiều kiến nghị của giới trí thức, đảng viên phản tỉnh, các tổ chức quần chúng độc lập, đã thúc giục Quốc Hội CSVN dẹp bỏ một dự luật mà tất cả đều cho rằng vừa lỗi thời, vừa có dụng ý “rước” người Hoa vào đầu tư, biến ba khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) thành những nhượng địa khi cho phép họ “thuê đất” tới 99 năm, tức kéo dài tới 4 thế hệ.

Không ít người không ngần ngại gọi dự luật nói trên là dự luật “bán nước” khi nghĩ tới lịch sử dân tộc Việt Nam đã phải chịu đựng 1,000 năm Bắc thuộc và nhiều lần toàn dân dồn sức đánh đuổi quân Nguyên, quân Thanh. Đất nước Việt Nam còn tới ngày nay nhờ sự hy sinh xương máu của tiền nhân.

Thay vì dẹp luôn, bản tin TTXVN viết rằng: “Chính phủ đã thống nhất với Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội sẽ trình Quốc Hội xem xét, cho lùi việc thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp tiếp theo để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bảo đảm dự án luật khi trình Quốc Hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các vị đại biểu Quốc Hội, cử tri và nhân dân, xây dựng thành công 3 đặc khu, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.”

Trước cuộc bỏ phiếu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN kêu rằng: “Có sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề nên nhiều người dân có hành động quá khích, trong đó không loại trừ việc lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng, kích động, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.”

Bà ta kêu gọi “đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào quyết định của đảng, nhà nước” trong khi “nhân dân cả nước” nếu “tin tưởng vào quyết định của đảng, nhà nước” thì đã không xảy ra các cuộc biểu tình chống đối khắp nơi.

Khi thấy dư luận cả nước chống đối kịch liệt, hôm Thứ Sáu tuần trước, ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã phải xin lùi thời hạn biểu quyết dự luật cũng như trấn an dư luận khi thông báo dự luật sẽ rút kỳ hạn cho thuê đất không tới 99 năm nhưng không biết sẽ còn là 50 năm, 70 năm hay bao lâu, còn tùy thuộc phản ứng chống đối của dư luận đến đâu.

Trước sự chỉ trích dự luật chỉ làm đầu cầu cho người Trung Quốc “xâm lăng không tiếng súng” ông Bộ Trưởng Kế Hoạch Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng hôm 6 Tháng Sáu, 2018, đã phân bua với báo chí rằng: “Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc.”

Tuy nhiên, ít nhất có một cựu đại biểu Quốc Hội CSVN và một blogger đã nhìn thấy “yếu tố Trung Quốc” trong dự luật “Đặc Khu Kinh Tế.” Khoản 4 của điều 54 thuộc dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” viết: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích du lịch được miễn thị thực với thời hạn xác định.”

Người ta đặt câu hỏi “nước láng giềng” chung biên giới với tỉnh Quảng Ninh là Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn, Đức, Nga?

Ngoài việc rút lại thời hạn cho thuê đất, tin tức trên báo đài của nhà cầm quyền CSVN cho hay có thể có một vài sự chỉnh sửa từ ngữ, chi tiết để xoa dịu sự lo lắng của quần chúng về một nguy cơ “Bắc thuộc” mới, dự luật “Đặc Khu Kinh Tế” sẽ vẫn được thông qua cuối năm nay nếu áp lực quần chúng trên cả nước không đủ mạnh. (TN)

Bạo loạn tiếp diễn ở Bình Thuận, biểu tình, đình công tại Sài Gòn

MỚI CẬP NHẬT