Friday, April 19, 2024

Bất chấp người dân chống đối, CSVN quyết làm ‘Khu Kinh Tế Vân Đồn’

QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Trong lúc Luật Đặc Khu chưa biết kết cục thế nào sau khi bị công luận phản đối kịch liệt, báo Quảng Ninh khiến người ta giật mình khi cho biết Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy vừa tổ chức một cuộc họp để nghe và cho ý kiến về công tác triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế và nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng “Khu Kinh Tế Vân Đồn.”

Sự kiện này do ông Nguyễn Văn Đọc, bí thư Tỉnh Ủy, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh này chủ trì hôm 22 Tháng Mười, 2018, theo báo Quảng Ninh.

Tờ báo mang tính tuyên truyền của tỉnh Quảng Ninh viết: “Mục tiêu xây dựng Khu Kinh Tế Vân Đồn là có nền kinh tế hướng ngoại, độ mở cao với bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; áp dụng các cơ chế thông thoáng và hiệu quả để đủ sức cạnh tranh toàn cầu…”

Như vậy, khái niệm này gần như không có gì khác với mô tả về Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn từng gây xôn xao dư luận mấy tháng trước.

Cũng theo báo Quảng Ninh, ông Đọc “yêu cầu đơn vị tư vấn cùng các đơn vị liên quan phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch để sớm triển khai các bước tiếp theo.”

Dường như sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt của người dân, nhà cầm quyền CSVN hiện vẫn đang cân nhắc các bước kế tiếp về Luật Đặc Khu.

Một góc cảng Cái Rồng, trung tâm kinh tế của Vân Đồn. Cảng Cái Rồng là nơi trung chuyển hàng hóa và hành khách đi các đảo của tỉnh Quảng Ninh. (Hình: Zing)

Theo báo Tiền Phong hôm 23 Tháng Mười, Luật Đặc Khu “sẽ được trình Quốc Hội CSVN vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội.”

Theo các nhà quan sát, “thời điểm thích hợp” ở đây được hiểu là Luật Đặc Khu sẽ được chỉ thị cho Quốc Hội CSVN thông qua trong kỳ họp đầu tiên ngay sau khi Luật An Ninh Mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1 Tháng Giêng, 2019.

Thời điểm đó đánh dấu việc bất kỳ người nào đưa ra ý kiến phản biện, phản đối Luật Đặc Khu trên mạng xã hội đều có nguy cơ bị trấn áp, thậm chí bị khép tội và phạt tù.

Hồi Tháng Sáu, 2018, khi cao trào biểu tình phản đối Luật Đặc Khu (và Luật An Ninh Mạng) diễn ra tại các thành phố, báo Dân Việt gây khó chịu dư luận khi dẫn lời ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh: “99.6 % người dân Vân Đồn đồng ý thành lập đặc khu kinh tế, còn Hội Đồng Nhân Dân thì nhất trí 100%.Việc lập đặc khu là mục tiêu phát triển lớn của tỉnh.”

Đến nay, nhiều blogger vẫn suy đoán rằng chính Trung Quốc đứng sau quyết tâm thông qua Luật Đặc Khu của nhà cầm quyền CSVN. Suy đoán này không phải là không có cơ sở, vì một bài trên Tân Hoa Xã từ hồi 2016 đã khẳng định cần $12 tỷ rót vào việc xây dựng Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn trước năm 2030.

Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết thêm: Quảng Ninh đến năm 2016 đã huy động được gần $1.8 tỷ để đầu tư vào hạ tầng sân bay, đường cao tốc… ở khu vực này.

“Chính phủ Việt Nam đã đồng ý thành lập ba đặc khu về nguyên tắc, gồm Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang,” Tân Hoa Xã cho hay. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT