Thursday, April 25, 2024

Bắt giữ một số người Trung Quốc bào chế ma túy ở Kon Tum, Bình Định

KON TUM, Việt Nam (NV) – Mười ba tấn hóa chất và tiền chất dùng để sản xuất ma túy cùng hàng trăm lít dung dịch bị thu giữ sau khi Bộ Công An CSVN tiến hành đột kích một khu nhà xưởng do nhóm người Trung Quốc thuê tại tỉnh Kon Tum hôm 11 Tháng Chín.

Theo báo Zing, trong vụ này, nhà chức trách áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 10 người, trong đó có tám người mang quốc tịch Trung Quốc liên quan đường dây sản xuất ma túy quy mô lớn.

Tờ báo cho biết thêm: “Khu nhà xưởng của Công Ty Xuất Nhập Khẩu Đồng An Viên được một số người Trung Quốc thuê lại để tổ chức sản xuất ma túy. Doanh nghiệp hoạt động từ Tháng Bảy, 2013 về lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị xây dựng. Người đại diện pháp luật đồng thời là chủ sở hữu công ty là ông Trần Ngọc An, quê ở Bình Thuận.”

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Công an tỉnh Bình Định phát hiện một lượng hóa chất cực lớn được cất giữ trong 286 thùng phuy, 300 bao bột và nhiều dụng cụ để tinh chế ra ma túy do một nhóm người Trung Quốc cầm đầu. Hai kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy đặt tại tổ 8, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn. Sáu người Trung Quốc được phân công nhiệm vụ coi kho tại đây đã bị bắt giữ.”

Hiện chưa rõ hai vụ nêu trên có liên quan gì đến vụ một người đàn ông Trung Quốc bị bắt vì dùng xe bán tải chở 895 bánh heroin, nặng gần 300 kg, tại khu vực ngã tư An Sương, Sài Gòn hồi Tháng Ba, 2019.

Lượng hóa chất dùng để tinh chế ma túy ở Bình Định. (Hình: Tuổi Trẻ)

Công luận đang chờ đợi xem liệu nhóm nghi phạm Trung Quốc tham gia sản xuất ma túy ở Việt Nam có phải ra tòa hay sẽ được trao trả cho nhà chức trách nước họ.

Việc Bộ Công An CSVN trả nghi phạm Trung Quốc về nước đã có tiền lệ và làm dấy lên quan ngại việc Hà Nội và Bắc Kinh có thể đã âm thầm thiết lập Luật Dẫn Độ mà người dân không hề được biết.

Hồi đầu Tháng Tám, 2019, giới luật sư Việt Nam bày tỏ bức tức trước việc hơn 380 người Trung Quốc bị phát hiện tham gia điều hành đường dây đánh bạc ứng dụng công nghệ qua mạng Internet được Bộ Công An CSVN dẫn giải lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị ở Lạng Sơn để trao trả cho nhà chức trách Trung Quốc. Nhóm nghi phạm này được ghi nhận đặt cơ sở tại khu đô thị Our City Hải Phòng trong nhiều năm liền mà nhà chức trách địa phương không thể xâm nhập.

Do bị công luận chỉ trích, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An CSVN sau đó thanh minh trên báo Pháp Luật TP.HCM hôm 4 Tháng Chín: “’Thiệt hại trong vụ này là về phía Trung Quốc chứ không có thiệt hại gì phía Việt Nam. Giữa hai bộ trưởng Công An Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có ký thỏa thuận giữa về hợp tác công tác phòng chống tội phạm. Toàn bộ ứng dụng đánh bạc đều bằng tiếng Trung Quốc. Khó khăn đặt ra cho cơ Quan Điều Tra Công An Hải Phòng là tạm giữ một lúc gần 400 người, lấy đâu ra phiên dịch để khai thác họ. Chúng ta bàn giao người nhưng tất cả vấn đề gì có liên quan tới vụ án này, Trung Quốc phải thông báo kết quả cho phía Việt Nam.”

Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: Hoá ra việc trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam về cho Trung Quốc là trên cơ sở thỏa thuận giữa bộ trưởng Công An hai nước chứ không phải trên hiệp định, hiệp ước gì ráo! Điều này rõ ràng bộ trưởng Công An [CSVN Tô Lâm] đã lạm quyền và vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Thiệt hại trong vụ án này không chỉ thiệt hại về vật chất mà là trật tự kỷ cương mà pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ. Việt Nam cũng thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền phạm pháp. Nếu tổ chức cá nhân Việt Nam tổ chức đánh bạc xuyên biên và chỉ cho người dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tham gia thì liệu họ có bị công an Việt Nam khởi tố hình sự không? Việc trao trả nghi phạm về Trung Quốc cần phải căn cứ vào quy định pháp luật chứ không phải căn cứ vào điều kiện phá án!” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT