Tuesday, April 23, 2024

Vụ cướp BOT Dầu Giây: Dân mạng hả hê vì ‘cướp của cướp’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tin cho hay hôm 8 Tháng Hai, nhà chức trách bắt được hai nghi can Trần Tuấn Anh và Nguyễn Vũ Hoàng Nam trong vụ cướp 2.2 tỷ đồng ($94,898) ở trạm thu phí Dầu Giây đêm Mùng Ba Tết.

Vụ cướp nêu trên được ghi nhận diễn ra chớp nhoáng. Trong vòng khoảng 30 giây và hai nghi can mang theo súng, mã tấu xông vào đánh gục nhân viên và lấy đi lượng lớn tiền mặt trong két sắt. Sự việc được CCTV ghi lại đầy đủ.

Theo báo Zing, hai nghi can bị bắt ở Ga Sài Gòn khi hẹn nhau ở đây để chia tiền. Đáng lưu ý, cả hai ông này đều là nhân viên cũ của trạm thu phí nêu trên.

Các trinh sát Bộ Công An CSVN và Công An tỉnh Đồng Nai bắt giữ ông Tuấn Anh và Hoàng Nam cùng tang vật gồm 100 triệu đồng ($4,313), vàng và nhiều giấy tờ liên quan.

Trong vụ này, điều khiến công luận bàn tán nhiều nhất là số tiền 2.2 tỷ đồng bị cướp sau khi tin ban đầu trên báo nhà nước chỉ ghi là “300 triệu đồng ($12,940).”

Báo VietNamNet hôm 8 Tháng Hai dẫn lời bà Nguyễn Thị Hoài Phương, phó giám đốc Công Ty Dịch Vụ Kỹ Thuật Đường Cao Tốc Việt Nam (VECE): “Số tiền bị cướp trong két sắt là 2.22 tỷ đồng. Đây không phải là nguồn thu trong một ngày mà là của nhiều ngày dồn lại.”

Két sắt ở phòng kế toán của trạm thu phí Dầu Giây. (Hình: Công An Đồng Nai)

Tuy vậy, hầu hết ý kiến trên mạng xã hội suy đoán khoản tiền nêu trên là “doanh thu chỉ sau một ca trực tại trạm thu phí” và vụ cướp làm lộ rõ bản chất “hút máu” và doanh thu hàng tỷ đồng mỗi ngày của các trạm BOT.

Phóng viên Trương Châu Hữu Danh, người khởi xướng phong trào phản đối BOT “bẩn” bình luận trên trang cá nhân: “Hơn 2 tỷ đồng bị cướp là của một ca trực tại một trạm (toàn tuyến cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây là ba trạm). Và, hôm xảy ra vụ cướp, các bạn nên nhớ rằng xe tải đang ngưng hoạt động. Giờ thì các bạn đã hiểu lý do tại sao chính quyền quận Bình Tân quyết sống mái để bảo vệ BOT ‘bẩn’ An Sương rồi nhé.”

Phóng viên Hoài Nam của báo Pháp Luật TP.HCM tiết lộ trên trang cá nhân: “Vụ cướp cho thấy lâu nay VECE và trạm thu phí này đã gian dối trong tổng hợp, báo cáo tài chính. Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì tổng số tiền thu hàng ngày khoảng từ 6.6 đến 7.5 tỷ đồng ($284,694–$323,516). Vậy số tiền chênh lệch vào túi ai? Liệu có hay không việc ăn chia ‘khoản vênh’ chắc không chỉ trong nội bộ VECE? Cám ơn hai thằng cướp rất nhiều vì chúng mà lòi ra nhiều kẻ cướp công khai.”

Vụ cướp trạm thu phí Dầu Giây xảy ra sau những vụ bê bối tại các trạm BOT khắp cả nước, gần nhất là BOT An Sương-An Lạc. Theo giới tài xế, các trạm BOT Tân Đệ, BOT Cai Lậy và trạm BOT Thăng Long-Nội Bài đều có tổ chức tinh vi, khép kín. Phía sau các trạm BOT là cả một thế giới ngầm hành xử theo kiểu xã hội đen.

Một số cá nhân cương quyết phản đối BOT “bẩn” như ông Hà Văn Nam đưa cáo buộc trên mạng xã hội rằng ông “bị bắt cóc, bị tra tấn dã man ngay giữa Hà Nội.”

Đến nay, Bộ Công An CSVN không phản hồi trước những lời kêu gọi của giới hoạt động xã hội dân sự về việc mở cuộc điều tra toàn diện cáo buộc “tham nhũng có tổ chức” cũng như dấu hiệu “lợi ích nhóm” xảy ra tại BOT Tân Đệ và các trạm phu phí khác. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT