Friday, April 26, 2024

Bị xâm nhập mặn, người dân Bến Tre ‘nặng gánh’ tiền mua nước sinh hoạt

BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Vừa phải đối phó với nạn xâm nhập mặn thiếu nước tưới cho cây trồng, người dân tại nhiều huyện, thị ở Bến Tre còn “đau đầu” với giá tiền nước sạch đang tăng cao, gây thêm nhiều khốn khó.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM, mùa hạn mặn 2020-2021 đang đến và đã vào sâu trong các con sông lớn ở tỉnh Bến Tre. Một số nhà máy nước trong tỉnh đã phải chuyển nước ngọt thô từ xa về để chế biến rồi cung cấp cho sinh hoạt. Vì vậy mà giá thành đã tăng lên rất cao so với bình thường, có nơi đắt gấp 4 đến 5 lần.

Người dân ở xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, phải “nặng gánh” với giá nước sinh hoạt. (Hình: Đ.H/Pháp Luật TP.HCM)

Những ngày qua, người dân ở các xã Lương Quới, Châu Hòa, Bình Hòa… thuộc huyện Giồng Trôm, tỏ ra lo ngại khi được thông báo giá nước sinh hoạt tăng gấp cao so với giá hiện tại.

Bà Đỗ Thị Út (ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) cho biết bình thường giá nước máy chỉ 9,600 đồng (41 cent)/khối, giờ nghe tin giá nước lên đến 51,500 đồng ($2.23)/khối đã khiến người dân ngán ngại.

“Giá nước này rất cao, dù gia đình tôi có tiết kiệm lắm thì ít gì cũng xài khoảng 15 khối nước mỗi tháng. Nghĩ tới đóng tiền nước sắp tới mà tôi ngán ngẩm quá,” bà Út than.

Cùng chung nỗi lo, ông Nguyễn Văn Việt (ấp 4, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) cho biết gia đình sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước Lương Quới thuộc công ty Cấp Thoát Nước Bến Tre. “Trung bình mỗi tháng gia đình tôi dùng từ 7 đến 8 khối nước, nhưng giá nước công ty thông báo là quá cao,” ông Việt nói.

Giải thích nguyên nhân giá nước tăng cao, ông Trần Hùng, tổng giám đốc công ty Cấp Thoát Nước Bến Tre, cho biết: “Do phải thuê sà lan chở nước ngọt thô từ thượng nguồn sông Tiền về xử lý nên chi phí sản xuất tăng. Phương án này đã được sở, ngành chuyên môn của tỉnh thẩm định và ủy ban tỉnh ra quy định về giá nước sạch tiêu thụ trong thời gian hạn mặn.”

Theo ông Trần Hùng, ngoài nhà máy nước Lương Quới bị xâm nhập mặn, các nhà máy khác của như Sơn Đông, Hữu Định, An Hiệp cũng đã bị tác động ít nhiều. Song, nhờ có các công trình cống, đập nên “cơ bản bảo đảm” ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nông nghiệp và cấp nước. Do vậy, ngoài Giồng Trôm hiện người dân ở thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách vẫn chưa bị tăng giá nước.

“Tuy nhiên thời gian tới, nếu tình hình xâm nhập mặn ‘diễn biến phức tạp,’ kéo dài, hết nguồn nước tích trữ, công ty sẽ phải huy động, thuê sà lan vận chuyển nước ngọt thô cấp cho các nhà máy nước trên. Khi đó, công ty sẽ thông báo thời điểm áp dụng đơn giá nước mới,” ông Hùng cho biết.

Nói với báo Lao Động, ông Huỳnh Kim Mười, giám đốc Trung Tâm Nước Sạch và Vệ Sinh Môi Trường Nông Thôn Bến Tre, cho biết thêm trung tâm hiện có 32 nhà máy nước, tập trung ở các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú, cung cấp nước sinh hoạt cho 80,000 gia đình.

Vào mùa hạn mặn, nhiều người dân Bến Tre phải vận chuyển nước từ xa về sử dụng. (Hình: K.Q/Lao Động)

Những ngày qua, trung tâm đã vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan từ thượng nguồn về nhà máy nước Tân Hào. Mỗi ngày nhà máy chế biến 1,000 khối để cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân trong khu vực. Nếu trong thời gian tới ở các nhà máy nước còn lại bị xâm nhập mặn tăng cao, chắc chắn giá nước sạch sinh hoạt trong toàn tỉnh Bến Tre sẽ tăng mạnh.

Trước đó hồi mùa khô 2019-2020, toàn tỉnh Bến Tre bị xâm nhập mặn. Nước máy của các nhà máy hầu hết đều bị nhiễm mặn, hơn 80,000 gia đình thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều tổ chức, cá nhân đã vận chuyển nước ngọt từ nơi khác đến cấp miễn phí cho người dân. Trong khi đó, có nơi người dân phải mua nước ngọt sử dụng với giá từ 150,000 đến 200,000 đồng ($6.5 tới $7.8)/khối. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT