Tuesday, April 23, 2024

Nhiều người chiêm ngưỡng lần cuối Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu 

NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Xuân Trường, khẳng định Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu cổ kính với kiến trúc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam sẽ tháo rời để xây mới vào ngày 13 Tháng Năm, 2019, khiến nhiều đoàn khách thập phương liên tục kéo đến viếng thăm chiêm ngưỡng lần cuối.

Chiều ngày 2 Tháng Năm, nói qua điện thoại với báo Người Lao Động, ông Đặng Ngọc Cường, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định), cho biết hiện huyện chưa nhận được thông tin gì về việc dừng phá dỡ Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu ở xã Xuân Ngọc của cơ quan có thẩm quyền.

Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo ông Cường, việc xây dựng nhà thờ mới đã được các cha xứ xin cấp phép xây dựng từ năm 2016, nhưng do chưa chuẩn bị kịp nên năm 2018 lại xin gia hạn và được Sở Xây Dựng tỉnh Nam Định đồng ý.

“Họ đã tiến hành khởi công từ Tháng Mười, 2018 và đã làm phần mộc từ đó đến giờ, tới đây sẽ tới phần tháo rời để xây dựng. Nhà thờ được dựng trên nền cũ, còn chi tiết như thế nào thì hỏi Sở Xây Dựng,” ông Cường nói.

Khi được hỏi, các kiến trúc sư đánh giá Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu đang còn tốt, cần được bảo vệ, ông Cường cho rằng nếu các cơ quan có thẩm quyền xác định có thể bảo tồn giữ lại thì phải có văn bản. “Nếu xác định đó là di sản, là di tích lịch sử hay là cái gì thì cơ quan có thẩm quyền công nhận thì mình mới có thể quản lý nó theo quy định được,” ông Cường nói.

Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 3 Tháng Năm, một phụ nữ làm nghề thợ mộc làm việc tại lán dựng tạm bên cạnh nhà thờ cho hay, mấy ngày qua du khách thập phương kéo đến thăm Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu rất đông, đặc biệt là những ngày nghỉ cuối Tháng Tư đầu Tháng Năm vừa qua.

Không chỉ có các đoàn khách là người dân đến thăm, mấy hôm nay Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu còn đón nhiều đoàn kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, phóng viên báo chí và cả những đoàn cán bộ di sản đến “tìm hiểu, đánh giá.”

Một đại diện của Ủy Ban Nhân Dân xã Xuân Ngọc, cũng là một giáo dân cho biết ngay trong sáng 2 Tháng Năm, cán bộ xã này đã dẫn “một đoàn cán bộ di sản cấp trên tới khảo sát hiện trạng của ngôi nhà thờ.”

Bên trong giáo đường Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu. (Hình: Tuổi Trẻ)

Vị đại diện này nói rằng “các giáo dân đều rất ủng hộ việc xây nhà thờ mới, bản thiết kế nhà thờ mới đã được các đức cha gửi tới các hộ dân từ gần năm nay. Nhà thờ mới sẽ được xây dựng bằng gỗ lim được nhập cảng từ ngoại quốc, trị giá khoảng 200 tỷ đồng. Nhà thờ mới sẽ to đẹp hơn nhà thờ cũ. Nhà thờ cũ là di sản với các vị kiến trúc sư thôi, còn với chúng tôi nó đã cũ nát, không an toàn.”

Giáo phận Bùi Chu có số lượng tín hữu khá cao. Theo thống kê hồi năm 2017, giáo phận có 412,539 giáo dân.

Trong khi đó, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Năm, nhà thờ cũ phủ rêu mốc trên tường phía ngoài nhưng bên trong lộng lẫy, choáng ngợp bởi nhiều yếu tố kiến trúc độc lạ và hàng cột gỗ lim lớn trên bệ đá.

Đặc biệt, những hình ovan 3 lá trên trần với nhiều chi tiết cầu kỳ là một biến thể độc đáo của kiến trúc Thiên Chúa Giáo, có vẻ ít thấy ở các nhà thờ Việt Nam. Hình ảnh này vừa thể hiện đường nét Baroque cổ kính vừa thể hiện nét phương Đông tạo ra không gian đa dạng, phù hợp với nơi chốn mà nó tồn tại.

Trước đó, hơn 20 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã đệ “Đơn đề nghị cứu xét”gửi tới Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Ngọc Thiện, bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch và ông Phạm Đình Nghị, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Nam Định yêu cầu tạm dừng phá dỡ Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu, chờ đánh giá toàn diện của Hội Đồng Di Sản Quốc Gia nhưng đến nay vẫn chưa được phúc đáp.

Những hình ovan 3 lá trên trần nhà thờ, hiếm thấy ở các nhà thờ Việt Nam.(Hình: Tuổi Trẻ)

“Đơn đề nghị cứu xét” có đoạn viết: “Mặc dù không hiểu vì sao Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu, Nam Định chưa được công nhận là di sản quốc gia, nhưng theo đánh giá dựa trên các quy định về xếp hạng công trình di tích của Việt Nam, thì đây là di sản văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. Do chưa được công nhận nhưng theo tinh thần Công Ước Quốc Tế về bảo vệ di sản mà Việt Nam là thành viên và theo Luật Di Sản Văn Hóa năm 2001, chỉnh sửa năm 2009  cùng các nghị định thông tư hướng dẫn, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng việc phá dỡ di sản chờ đánh giá toàn diện của Hội Đồng Di Sản Quốc Gia, xem xét đưa công trình vào diện cần phải bảo tồn tôn tạo theo Luật Di Sản Văn Hóa Việt Nam.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT