Wednesday, April 24, 2024

Chính quyền Quảng Ninh công khai ‘bảo kê’ Vingroup khai thác đất rừng phòng hộ

QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Lâu nay có suy đoán cho rằng Tập Đoàn Vingroup tận dụng quan hệ thân hữu với chính quyền các địa phương để làm dự án khu nghỉ dưỡng, chúng cư xâm hại môi trường và chiếm dụng cả đất rừng phòng hộ, nhưng lần đầu tiên có một chính quyền tỉnh công khai ủng hộ doanh nghiệp nhiều tai tiếng này.

Trang tin VietnamFinance.vn tường thuật: “Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh sẽ đồng hành cùng Vingroup để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tập đoàn này triển khai các dự án ở tỉnh này. Để đảm bảo tiến độ dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, Chủ Tịch Thắng yêu cầu Sở Tài Nguyên-Môi Trường bám sát Bộ Tài Nguyên-Môi Trường [CSVN] sớm có văn bản cho phép phê duyệt kế hoạch sử dụng đất. Đối với dự án khu đô thị kết nối cầu Bắc Luân I-Bắc Luân II cũng của Vingroup, ông Thắng tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục trợ giúp tập đoàn trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan đến đất đai, môi trường.”

Cũng theo trang tin này, dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh có quy mô sử dụng đất khoảng 3,186 hécta, là tổ hợp công trình nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng gồm nhà ở thương mại (nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng); nhà ở xã hội, công trình giáo dục… trong đó diện tích đất nhà ở khoảng 1,378 hécta, dự kiến nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa là 152 hécta, đất rừng phòng hộ 70.28 hécta. Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn $7 tỷ, với 55,300 căn hộ.

Như vậy có thể thấy báo nhà nước để lộ chuyện Vingroup đang công khai làm dự án nghỉ dưỡng, chúng cư trên đất rừng phòng hộ và tập đoàn này được chính quyền địa phương “nâng đỡ” cho việc “chuyển đổi mục đích sử dụng đất.”

Trên lý thuyết, rừng phòng hộ được sử dụng để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường… Tuy vậy, thời gian qua, các báo nhà nước liên tiếp đưa tin về các vụ hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ở Thừa Thiên-Huế, Sóc Sơn… bị doanh nghiệp bắt tay với giới chức chính quyền “phù phép” làm dự án địa ốc.

Trong một diễn biến khác, hồi trung tuần Tháng Tám, 2019, sau khi bị công luận chỉ trích kịch liệt, bà Hồ Ngọc Lâm, trưởng Ban Pháp Chế của Tập Đoàn Vingroup vội rút tên khỏi nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai.

Thông cáo do Vingroup phát đi cho biết: “bà Hồ Ngọc Lâm tham gia nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất Đai với tư cách cá nhân, không báo cáo tập đoàn. Sau khi thấy vì cá nhân mình gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến công ty và ban soạn thảo nên bà Lâm đã làm đơn xin rút khỏi nhóm này.”

Đề cập đến tình trạng tư bản thân hữu đang hoành hành ở Việt Nam, blogger Lê Trọng Vũ bình luận trên trang cá nhân: “Sự phát triển nhanh bất thường của một số tập đoàn như Vingroup, Sun Group, FLC trong thời gian qua được sự tiếp sức, cổ vũ của báo chí nhà nước và tiếc thay, đã ru ngủ được một bộ phận dân chúng. Từ động Phong Nha ở Quảng Bình đến đỉnh Fansipan ở Lào Cai, từ rừng cấm quốc gia đến các di sản thiên nhiên, từ rừng phòng hộ đầu nguồn đến các đảo tiền đồn của tổ quốc… Không có dự án ‘phát triển kinh tế địa phương’ nào mà không gây ồn ào dư luận và không có dự án nào của chúng mà không khai thác tài nguyên sẵn có. Tất cả đều núp bóng các mỹ từ êm tai như sinh thái, tâm linh để che đậy việc ầm ầm đục phá thiên nhiên và tận thu tài nguyên bên dưới. Tất cả chỉ làm lợi cho thiểu số bọn chúng trong khi đẩy nhiều thế hệ người Việt phải trả giá ở hiện tại và tương lai.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT