Friday, April 19, 2024

Công an ‘bảo vệ’ trạm BOT Biên Hòa ngăn tài xế trả tiền lẻ

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cùng các lực lượng phối hợp được trang bị như đi đánh trận đã có mặt tại khu vực trạm BOT Biên Hòa trong ngày đầu thu phí trở lại.

Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 26 Tháng Mười, trạm BOT (dự án giao thông được nhà đầu tư ứng tiền trước để làm công trình rồi mới thu phí) tuyến tránh thành phố Biên Hòa, đặt trên quốc lộ 1, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, đã chính thức thu phí trở lại sau 20 ngày tạm ngưng vì bị người dân phản đối.

Theo báo Thanh Niên, mặc dù 9 giờ sáng mới bắt đầu thu phí nhưng từ sáng sớm, lực lượng cả trăm người từ cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông, công an xã, dân phòng… cùng nhiều xe chuyên dụng đã có mặt tại khu vực trạm thu phí để “bảo đảm an ninh.”

Tại một số điểm giao, lực lượng cảnh sát chốt trực để “phòng ngừa trường hợp tắc nghẽn do tài xế sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm sẽ điều tiết xe qua các đường khác, tránh vỡ trận.”

Nói với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Kim, phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Hôm nay lực lượng chức năng có mặt tại đây chủ yếu là giữ trật tự tuyên truyền, nhắc nhở tài xế không nên gây cản trở, ùn tắc giao thông thông qua việc dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.”

Công ty Đồng Thuận, chủ đầu tư trạm BOT Biên Hòa, cũng bố trí nhân viên, hai bàn làm việc ở lề đường cách trạm thu phí khoảng 100 mét để thu tiền lẻ. Theo đó, giá vé giảm từ 10,000 đến 40,000 đồng tương ứng với từng nhóm xe khác nhau so với mức giá trước đó.

An ninh được thắt chặt trong ngày đầu trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa thu phí trở lại. (Hình: Báo điện tử Zing)

Trước đó báo chí Việt Nam rầm rộ đưa tin, sau nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, ngày 5 Tháng Mười, nhiều tài xế dừng xe trong trạm BOT Biên Hòa khiến giao thông trên quốc lộ 1 tê liệt. Để bảo đảm giao thông thông suốt theo quy định, trạm thu phí này đã xả trạm từ 3 giờ chiều cùng ngày cho đến nay.

Để “dằn mặt,” công an huyện Trảng Bom gửi giấy mời các tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm lên làm việc.

Đề cập về những lùm sùm quanh trạm BOT Biên Hòa, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên, bình luận trên Facebook: “Tôi cứ nói thẳng, công an, cảnh sát cơ động, mật vụ mật thám… ăn lương từ tiền thuế của dân, xe cộ chuyên dụng sắm từ tiền thuế của dân là để phục vụ dân chứ không phải để phục vụ mấy thằng BOT trấn lột nhá, không phải để đe dọa dân nhá. Làm vậy coi sao được.”

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết trên Facebook: “Con gái của ông Thượng Tá Võ Đình Thường (phó trưởng Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ, Đường Sắt, Công An tỉnh Đồng Nai) là bà Võ Minh Thúy tham gia đầu tư làm BOT Biên Hòa. Khi các tài xế phản đối vị trí đặt trạm BOT này của con ông bằng cách trả tiền lẻ, ông Thường ký ngay giấy mời hàng chục tài xế trả tiền lẻ lên làm việc với mục đích như ông nói là để ‘nhắc nhở,’ ‘giáo dục.’”

Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Mười cho hay, tân Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể (người vừa rời ghế bí thư Tỉnh Ủy Sóc Trăng) nói rằng BOT sẽ là “vấn đề ưu tiên hàng đầu trên cương vị mới.”

Ông Thể khẳng định BOT là “chủ trương đúng, đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội là huy động phát triển hạ tầng, tuy nhiên, các dự án BOT hiện còn những vấn đề cần điều chỉnh mà nguyên nhân như Quốc Hội cũng xác định là luật pháp chưa hoàn chỉnh, quá trình thực hiện còn mới mẻ.”

Dịp này, một số cư dân mạng nhắc lại chuyện ông Thể khi còn làm thứ trưởng Giao Thông Vận Tải từng ký công văn hỏa tốc hồi Tháng Mười Một, 2013, về việc triển khai trạm BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang là một trong những điểm nóng của phong trào phản đối bằng cách trả tiền lẻ của cánh tài xế thời gian qua. (Tr.N, T.K.)

Thương hiệu lụa KhaiSilk 30 năm lừa khách bằng đồ Tàu

MỚI CẬP NHẬT