Friday, April 26, 2024

CSVN ‘đề nghị Trung Quốc không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển’

NAM NINH, Việt Nam (NV) – Chế độ Hà Nội đề nghị Trung Quốc “tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển” khi ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến Bắc Kinh.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng CSVN tới Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, tham dự lễ khai mạc “Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 16” hôm Thứ Bảy 21 Tháng Chín, 2019.

Nhân dịp này, ông Đam đã có cuộc “hội đàm” với Ủy Viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Quốc Vụ Viện Trung Quốc tên Hàn Chính (Han Zheng).

Theo TTXVN kể lại, sau khi rào đón “nhấn mạnh Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc,” ông Đam đã “nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển.”

Lời phát biểu của ông Vũ Đức Đam, nhiều phần như để đáp trả lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, ngày 18 Tháng Chín, 2019 trước đó cáo buộc phía Việt Nam “xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc” khi “đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan’an Tan” tức bãi cạn Bãi Tư Chính mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền dù hoàn toàn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nhiều lần tố các nhóm tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà chẳng hề thấy tác dụng.

Theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều ký tên công nhận, bãi đá ngầm Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard bank) cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 600 hải lý.

Suốt ba tháng qua, Trung Quốc đã cho tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 với sự hộ tống và bảo vệ của nhiều tàu hải cảnh vừa ngang nhiên khảo sát, vừa quấy rối, đe dọa hoạt động khai thác và khoan tìm dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính. Nơi đây, tại lô 6-1, liên doanh PVN – Rosneft thuê tàu Nhật Hakuryu 5 khoan thêm giếng mới.

Chế độ Hà Nội giấu dân chúng hoàn toàn các tin tức về cuộc đối đầu với Bắc Kinh không ngưng nghỉ suốt mấy tháng qua trên Biển Đông, có khi lên hàng chục tầu các loại của hai bên. Chỉ thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Nội loan báo mấy lần gửi công hàm phản đối và đòi hỏi Bắc Kinh chấm dứt các trò ngang ngược kiểu cậy lớn cậy khỏe để ức hiếp nước nhỏ, dù vẫn xưng hô là “đồng chí anh em.”

Tin tức cập nhật tình hình Biển Đông, theo nhóm thông tin “South China Sea” trên trang Twitter, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 cùng 4 chiếc tàu hải cảnh hộ tống quay về đảo nhân tạo Đá Chữ Thập hôm Chủ Nhật, rất có thể chỉ để nghỉ ngơi và lấy tiếp liệu như mấy lần trước. Chiếc hải cảnh mang số 45111 vẫn ở lại trong khi tàu khoan Hakuryu-5 vẫn thấy đang hoạt động tại lô 6-1. Một chiếc tàu hải cảnh khác mang số 4203 vẫn thấy không xa đó.

Trong phần cuối lời phát biểu của Cảnh Sảng ở Bắc Kinh hôm Thứ Tư tuần trước, người ta thấy ông ta nói “Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam.”

Đây là dấu hiệu Bắc Kinh dùng nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 làm áp lực để ép Hà Nội đàm phán hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo cách Bắc Kinh muốn. Cướp ngang tất cả không được thì Bắc Kinh tìm cách áp lực để được chia cho một phần thay vì không được gì, theo nhiều ý kiến của giới phân tích thời sự. (TN)

MỚI CẬP NHẬT