Saturday, April 20, 2024

CSVN đóng dấu mật cả danh sách ứng viên bầu cử Quốc Hội

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Tôi nhắc các đồng chí, danh sách ứng viên bầu cử [Quốc Hội CSVN] phải đóng dấu mật. Ai lộ lọt thì phải chịu trách nhiệm,” báo Thanh Niên dẫn lời ông Trần Thanh Mẫn, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam kiêm phó chủ tịch Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia.

Phát ngôn gây tranh cãi của ông Trần Thanh Mẫn được báo Thanh Niên hôm 13 Tháng Giêng dẫn tiếp: “Tuyệt đối không dùng báo chí để đánh bóng tên tuổi hay viết về người này, người khác, việc này, việc nọ, trong bầu cử là có việc này. Tôi nhắc các đồng chí vấn đề này, nhân sự là vấn đề nhạy cảm. Công tác hiệp thương đảm bảo khách quan, công tâm, vô tư, chính xác.”

Ông Trần Thanh Mẫn, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam kiêm phó chủ tịch Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia. (Hình: Ngọc Thắng/Thanh Niên)

Truyền thông nhà nước cho hay, ngày bầu cử Quốc Hội CSVN khóa 15 được ấn định diễn ra vào 23 Tháng Năm.

Trước đó, các đợt hiệp thương theo lịch trình sẽ được tiến hành vào Tháng Hai, Tháng Ba và Tháng Tư. Hội nghị hiệp thương là sự kiện giữa Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên ở các địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử “đại biểu Quốc Hội, đại biểu Hội Đồng Nhân Dân.

Theo tiền lệ của các đợt bầu cử Quốc Hội CSVN trước, hiệp thương cũng là dịp để nhà cầm quyền CSVN thẳng tay loại bỏ những ứng viên độc lập sau khi đã lệnh cho báo nhà nước “đấu tố” những người này.

Việc nhà cầm quyền CSVN đóng dấu mật cả danh sách ứng viên bầu cử Quốc Hội được ghi nhận tương thích với hành động trước đó, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước. Theo đó, “phương án nhân sự,” tức việc sắp ghế “tứ trụ” gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc Hội CSVN, và thường trực Ban Bí Thư được quy định “là thông tin tuyệt mật.”

Đây là cấp độ cao nhất trong danh mục bí mật, theo luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước.

Biện pháp hành chánh nêu trên được coi cách nhà cầm quyền CSVN kiểm soát bàn luận của cộng đồng mạng cũng như mạnh tay trấn áp, bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến.

Hiện chưa rõ khả năng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội CSVN có ở lại sau Đại Hội 13 hay không. (Hình: Zing)

Liên quan vụ này, ông Nguyễn Ngọc Chu, nhà quan sát, bình luận trên trang cá nhân: “…Ở tuyệt đại đa số các nước trên thế giới thì các ứng viên vào vị trí lãnh đạo quốc gia được công khai trước nhiều tháng, thậm chí trước cả năm để cho cử tri biết mà bỏ phiếu. Thực sự chưa hiểu là tại sao lại đưa các thông tin này vào nhóm ‘tuyệt mật?’ ‘Tuyệt mật’ nên chỉ dành cho các vấn đề liên quan đến an ninh và bí mật quốc gia. Các thông tin này lộ ra thì có hại gì? Và câu hỏi hiển nhiên tiếp theo là: Trong trường hợp này ‘công khai’ tốt hơn hay ‘tuyệt mật’ tốt hơn?”

Cùng thời điểm, ông Na Sơn, phóng viên ảnh tự do, viết nửa đùa nửa thật trên trang cá nhân: “Việt Nam thì văn minh dân chủ ‘gấp vạn lần tư bản,’ ứng cử viên giờ chót vẫn… tuyệt mật. Mỗi kết quả thì ai cũng đoán được. Không chính xác được là 100% hay 99.8% hay 98.9% thôi chứ chắc loanh quanh khoảng đấy.” (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT