Saturday, April 20, 2024

CSVN ‘gấp rút’ trả 380 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc vì theo lệnh Bắc Kinh?

LẠNG SƠN, Việt Nam (NV) – Hôm 1 Tháng Tám, 380 người Trung Quốc bị cáo buộc vận hành trang web đánh bạc trực tuyến quy mô 10,000 tỷ đồng ($426.5 triệu) được nhà chức trách Việt Nam trao trả cho phía Trung Quốc thông qua Cửa Khẩu Quốc Tế Hữu Nghị ở Lạng Sơn.

Những người Trung Quốc nêu trên bị bắt tại khu đô thị Our City ở đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hải Phòng, hôm 27 Tháng Bảy.

Báo Zing hôm 1 Tháng Tám tường thuật: “Trong số gần 400 người bị công an tạm giữ, chỉ có chưa đến 30 người đăng ký lưu trú ở Việt Nam. Lợi dụng vỏ bọc doanh nghiệp đầu tư, nhóm này chia thành các nhóm thay phiên vận hành trang web đánh bạc 24/7 hoạt động khép kín, không tiếp xúc với người ngoài. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy người cầm đầu nhóm này đang ở nước ngoài. Khu đô thị Our City ở Hải Phòng chỉ là nơi đặt máy móc vận hành đường dây đánh bạc cho người Trung Quốc.”

Trong vụ này, công luận đặt câu hỏi, vì sao công an, an ninh CSVN nổi tiếng về nghiệp vụ phát hiện và trấn áp giới hoạt động lại có thể buông lỏng địa bàn cho hàng trăm người Trung Quốc hoạt động phi pháp một thời gian dài.

Câu trả lời của ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công An Hải Phòng được tờ Zing dẫn lại càng khiến dư luận bức xúc hơn: “Khu đô thị Our City là dự án 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan chức năng trong nước rất khó khăn để vào bên trong. Muốn vào được nơi này phải có “biện pháp nghiệp vụ tế nhị”. Công an hay lực lượng an ninh cũng vậy vì doanh nghiệp nước ngoài này khép kín nên mình vào rất khó khăn.”

Khu đô thị Our City ở quận Dương Kinh, Hải Phòng. (Hình: Zing)

Một vấn đề khác đáng nghi ngại hơn, tại sao công an và nhà chức trách Việt Nam mau chóng trao trả 380 người Trung Quốc phạm pháp trên đất Việt Nam mà không thông qua phán quyết của tòa án nước sở tại? Phải chăng việc trao trả người Trung Quốc phạm tội trên đất Việt Nam đã có tiền lệ?

Tác giả Võ Văn Quản phân tích trên trang Luật Khoa Tạp Chí: “Đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất về một thỏa thuận dẫn độ chính thức. Thêm vào đó, để bảo đảm thẩm quyền tài phán tối cao của tòa án quốc gia, các thỏa thuận dẫn độ thường đi kèm theo quyền từ chối dẫn độ “khi toàn bộ hoặc một phần tội phạm bị yêu cầu dẫn độ được cho là đã được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của bên được yêu cầu theo pháp luật của bên đó” (Trích từ Hiệp định về dẫn độ giữa CHXHCN Việt Nam và Đại Hàn Dân Quốc, song đây cũng là điều khoản khung quan trọng được ghi nhận trong hầu hết các hiệp định dẫn độ khác). Trừ khi có những lý do chính trị đặc biệt trong vụ án, ít quốc gia nào từ bỏ quyền thực hiện quyền chủ quyền của mình. Trong một vụ án đánh bạc có giá trị lớn và hoàn toàn được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam, người viết sẽ phản đối việc ‘trao trả’ nghi phạm kể cả khi Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận dẫn độ.”

“Việc trao trả không qua xét xử gần 400 người quốc tịch Trung Quốc là từ bỏ quyền thực hiện thẩm quyền tài phán tối cao của hệ thống các cơ quan tố tụng hình sự Việt Nam. Nếu Cả Bộ Công An và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đều dựa trên căn cứ Điều 493 và 494 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự [CSVN], thì rất có thể đã vượt quá thẩm quyền được trao của mình,” theo Luật Khoa Tạp Chí. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT