Friday, April 26, 2024

CSVN ì ạch cắt giảm ‘biên chế’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Biên chế công chức” ăn lương ngân sách nhà nước của “các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2020” là 253,517 người.

Trang mạng chinhphu.vn của nhà cầm quyền CSVN đưa tin như trên về việc Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “vừa ký quyết định phê duyệt biên chế công chức” trong chủ trương “tinh giản biên chế” ì ạch suốt hai chục năm qua. Mấy năm trước, người ta thấy báo chí trong nước càng hô hò “tinh giản” thì guồng máy của chế độ càng phình ra to hơn.

Liệt kê chi tiết, trong thông tin chinhphu.vn cho biết “Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tổ chức do chính phủ, thủ tướng chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 108,368 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 142,767 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1,068 biên chế. Tổng biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế. Biên chế công chức dự phòng là 628 biên chế.”

Con số nêu trên không kể quân đội, công an vì các thành phần này là “bí mật nhà nước.” Con số các thành phần gộp lại lãnh lương từ ngân sách nhà nước trung ương CSVN chính xác là bao nhiêu, không ai biết. Trước đây, người ta thấy báo chí nhà nước đề cập tới, là khoảng 2.8 triệu người.

Khoảng hai chục năm trước, người ta đã thấy các định chế tài trợ quốc tế viện trợ cho Việt Nam “xóa đói giảm nghèo” đã thúc hối nhà cầm quyền cắt giảm số viên chức cán bộ dư thừa, giúp guồng máy đỡ cồng kềnh, tăng hiệu năng và đồng thời có thể lấy số tiền đó tăng lương cho những người còn lại, giảm thiểu tham nhũng.

Năm nào cũng thấy có những cuộc họp về “tinh giản biên chế” nhưng kết quả thường chỉ là cắt bỏ những người tới tuổi nghỉ hưu và càng họp thì “biên chế” lại càng tăng.

Một số báo trong nước đưa tin lại về biên chế năm 2020, như báo VietNamNet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, nêu con số tổng biên chế của năm 2019 là 259,598 của năm 2019, để khoe rằng “năm 2020 tổng số biên chế trong cả nước giảm 6,081 người.”

Con số biên chế “được tinh giản” không kể quân đội, công an vì các thành phần này là “bí mật nhà nước.” (Hình minh họa: Ye Aung Thu/AFP/Getty Images)

Khi nhà cầm quyền CSVN đưa ra con số như thế, tờ Tuổi Trẻ ngày 20 Tháng Tư, 2019, thuật lời ông Trần Lưu Quang, phó bí thư thường trực Thành Ủy ở Sài Gòn, cho rằng “muốn tinh giản biên chế thì người đứng đầu đơn vị phải có dũng khí vượt qua áp lực rào cản liên quan đến con người – nghĩa là vượt qua được những gửi gắm, nhờ vả…” Đây là một trong những sự thật đã làm cái chương trình “tinh giản biên chế” suốt nhiều chục năm làm một đàng, nói một nẻo.

Ngày 27 Tháng Tám, 2018, báo VietNamNet viết rằng “Theo tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại Học Fulbright Việt Nam) dựa trên số liệu của Bộ Nội Vụ, bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước.”

Nói khác, có khoảng 11 triệu người ăn lương từ ngân sách nhà nước chứ không phải chỉ trên 250,000 người, hoặc 2.8 triệu người. Từ con số hãi hùng chín người dân phải è cổ nuôi một đảng viên, cán bộ CSVN, VietNamNet dẫn lời ông Hoàng Chí Bảo, cựu ủy viên Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, chuyên gia cao cấp Học Viện Chính Trị Quốc Gia tại Sài Gòn, nói “Không một nền kinh tế nào nuôi nổi bộ máy như thế này.”

Trước đó, ngày 15 Tháng Giêng, 2018, tờ Tiền Phong cho hay “Trong quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, Kiểm Toán Nhà Nước phát hiện thừa 57,175 người so với biên chế được giao và đã có kiến nghị chấn chỉnh.”

Nghĩa là sau “chấn chỉnh” thì năm 2020, “tổng biên chế” chỉ giảm được có 6,081 ông hay bà, tức hơn 10% của cái “thừa” kia, không biết đến bao giờ được “chấn chỉnh” tiếp.

Khi ông Nguyễn Xuân Phúc còn là phó thủ tướng, tờ Lao Động ngày 26 Tháng Giêng, 2013, dẫn lời ông phát biểu trong “cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ Đạo Đề Án Đẩy Mạnh Cải Cách Chế Độ Công Vụ, Công Chức” như sau: “Chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về.”

Tức là có đến 840,000 đảng viên, chức sắc nhà nước CSVN như con số 2.8 triệu do ông nêu ra, chỉ là thành phần ăn bám mà chẳng “cống hiến” gì cả.

Bây giờ, ông Phúc đang là thủ tướng và chính phủ của ông, như những con số được nêu ra và báo chí thuật lại, dân vẫn phải è cổ nuôi báo cô một guồng máy có khi thấy báo chí của chế độ nói “hành dân là chính.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT