Thursday, May 9, 2024

CSVN nợ ngập đầu làm đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội sẽ kết thúc xây dựng “vào năm 2021,” dù trước đó đã có loan báo sẽ phục vụ hành khách vào quý I năm 2018 rồi sau đó được dời lại quý IV.

Theo báo Tuổi Trẻ, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do công ty Hữu Hạn Tập Đoàn Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc làm tổng thầu EPC, sử dụng vốn vay từ ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc. Được khởi công vào Tháng Mười, 2011, đến nay, dự án này từng nhiều lần điều chỉnh tiến độ với nhiều nguyên do: “Thiếu mặt bằng, vướng thủ tục vay và giải ngân vốn, tổng thầu EPC nợ tiền thầu phụ…”

Tổng mức đầu tư dự án đã “được điều chỉnh” từ $552.86 triệu lên $868.04 triệu, tăng $315.18 triệu so với phê duyệt ban đầu. Con số này chưa có dấu hiệu dừng lại khi còn ba năm nữa mới đến thời hạn 2021.

Hiện tại, để dự án này tiếp tục được triển khai, chính phủ CSVN phải vay bổ sung $250.62 triệu từ phía Trung Quốc và phần thiếu hụt còn lại được ghi nhận “sẽ bố trí từ vốn đối ứng của Việt Nam.”

Trước khi có động thái “tiếp tục hoãn binh,” Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt-Bộ Giao Thông Vận Tải trấn an dư luận rằng dự án “đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp, chưa bao gồm phần thiết bị.”

Báo VietNamNet hôm 30 Tháng Ba cho biết: “Tổng thầu Trung Quốc đề nghị nên nghiệm thu từng phần bởi nếu để xây dựng hoàn thành mới nghiệm thu thì thời gian chờ đợi rất lâu.”

Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ trong những năm qua. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo báo VNEconomy hồi Tháng Giêng, 2018, mỗi năm, ước tính Việt Nam phải trả nợ Trung Quốc “ít nhất 650 tỷ đồng (hơn $28.5 triệu)” tiền vay làm đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Hồi cuối Tháng Mười Hai, 2017, báo Lao Động viết: “Số tiền $868.04 triệu phải trả lãi ngân hàng mỗi năm là bao nhiêu? Hãy nhân nó với 6.5% lãi suất tối thiểu để thấy việc chậm tiến độ 11 tháng của dự án này đang đổ nợ lên đầu dân như thế nào. Đúng một thập niên người dân thủ đô phải chờ đợi trong bực bội và chán nản. ‘Cái quả’ Cát Linh-Hà Đông đó hẳn nhiên phải đắng ngắt, trong cảnh chúng không phải là yếu tố giảm tắc nghẽn giao thông thủ đô mà đang trở thành những chiếc lô cốt dồn thêm nút chai vào những ách tắc. Hơn cả thế, việc chậm tiến độ tại các tuyến đường sắt đô thị nói chung đang trở thành một hội chứng cực kỳ nguy hiểm trong đầu tư xây dựng cơ bản.”

“Thôi thì ngay cả bây giờ, Bộ Giao Thông Vận Tải có lẽ cũng bất lực rồi, trong bài toán ‘tiến độ’ này, nhưng chỉ mong sao nó là bài học tày liếp cho vô vàn những dự án đang và sẽ tiếp tục triển khai. Mong sao cái bài học đắt giá: Tham rẻ hóa đắt sẽ là một tiền lệ để những người quản lý phải nghĩ, phải chịu trách nhiệm, và phải bị xử lý mỗi khi đặt bút trước những khoản vay nhìn thì tưởng rẻ.”

Đến nay, không có quan chức nào của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN đứng ra nhận trách nhiệm hoặc bị cách chức về vụ đội vốn và chậm trễ của dự án này. Người ta chỉ thấy Thứ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Ngọc Đông được báo Lao Động dẫn lời: “Dự án này chậm tiến độ, đội vốn là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc và cần phải rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, tổng thầu, quá trình đấu thầu, phải xác định trách nhiệm huy động nguồn lực.”

Blogger Nguyễn Tường Thụy ở Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Không còn gì để mà nói tới cái dự án quái quỷ này. Vốn tăng hơn gấp rưỡi. Rồi đến năm 2021 có lùi nữa không. Nếu đưa vào sử dụng thì có ai dám đi không? Có người đi thì mấy trăm năm thu hồi được vốn? Cái gì cũng Trung Quốc, Trung Quốc. Một lũ ăn hại.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT