Friday, April 26, 2024

CSVN tiếp tục siết tôn giáo bằng cựu giám đốc công an

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một cựu giám đốc công an tỉnh và cục trưởng An Ninh Tây Bắc vừa được nhà cầm quyền CSVN bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ khiến các nhà quan sát cho đây là hành động nhằm “siết chặt tôn giáo.”

Ông Vũ Chiến Thắng đứng đầu Ban Tôn Giáo chính phủ là cơ quan thuộc Bộ Nội Vụ, có nhiệm vụ “giúp bộ trưởng quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trong phạm vi cả nước; thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật,” theo báo điện tử VNExpress.

Ông Thắng cũng là cựu giám đốc Công An tỉnh Quảng Trị, cựu phó giám đốc Công An Nghệ An.

Hồi năm 2012, một tướng công an cũng được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ là Phạm Dũng, tổng cục trưởng Tổng Cục An Ninh, dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Về việc bổ nhiệm ông Vũ Chiến Thắng lần này, từ Sài Gòn, Linh Mục Lê Ngọc Thanh bình luận: “Đây là bằng chứng cho thấy các luật lệ và tổ chức của thể chế XHCN Việt Nam chỉ nhằm quản lý và siết chặt tôn giáo, chứ không hề giúp các công dân và tổ chức tôn giáo thực hiện quyền tự do tôn giáo hiến định.”

Tháng trước, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố Báo Cáo Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế – Việt Nam 2016” trên website của họ.

Tài liệu này cho hay: “… Chính quyền (Hà Nội) tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo chưa được công nhận và các nhóm chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, đặc biệt là những nhóm mà chính phủ cho rằng có tham gia hoạt động chính trị.”

“… Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ đã hối thúc chính phủ (Việt Nam) cho phép tất cả các nhóm tôn giáo hoạt động một cách tự do, trong đó có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, các hội thánh Tin Lành và Công Giáo tại gia, các nhóm Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài độc lập; Yêu cầu trao nhiều tự do hơn cho các nhóm tôn giáo đã được công nhận; và kêu gọi chấm dứt các hạn chế và sách nhiễu đối với các nhóm tôn giáo chưa được công nhận hoặc chưa đăng ký.”

Hồi Tháng Sáu, Đức Cha Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tổng giám mục chính tòa Tổng Giáo Phận Huế đã gửi thư về Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo 2016 đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam.

Bức thư được website dongten.net đăng lại có đoạn: “… Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng.”

“Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, có những cụm từ được lặp đi lặp lại nhiều lần, như “theo quy định của pháp luật”; “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo,” hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”; “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường.” Những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng.”

“Cũng vậy, chính quyền tiêu tốn biết bao tiền của và nhân lực để theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo, đồng thời tìm cách sử dụng các tổ chức tôn giáo như công cụ của chế độ. Trong khi đó, những hoạt động của các tôn giáo trong lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục không được đánh giá đúng mức, thậm chí bị ngăn cản.”

“Ngoài ra, tại một số cơ sở đào tạo cán bộ và sinh viên, Đạo Công giáo được trình bày với những thành kiến thù nghịch, tạo nên nhận định sai lầm và hình ảnh biến dạng về Giáo Hội Công Giáo nơi thế hệ trẻ.”

Không thấy truyền thông Việt Nam ghi nhận phản hồi của bà Ngân về bức thư nêu trên.

Còn về bản báo cáo thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói: “Chúng tôi ghi nhận báo cáo tình hình Tự Do Tôn Giáo quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã có một số điều chỉnh sát với tình hình thực tế ở Việt Nam. Song đáng tiếc, báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.”

Việt Nam từng nằm trong danh sách CPC nhiều năm liền. Tuy nhiên đến Tháng Mười Một năm 2006, trước khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này.

Năm 2016, bản phúc trình thường niên của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đánh giá Hà Nội “vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước,” đề cập tình trạng của hơn 100 tù nhân chính trị, trong đó nhiều người bị giam giữ vì lý do tôn giáo tại Việt Nam và kêu gọi tự do tôn giáo.

Luật mới về Tín Ngưỡng, Tôn Giáo dự kiến sẽ có hiệu lực từ Tháng Giêng, 2018. (T.K)

MỚI CẬP NHẬT