Saturday, April 20, 2024

CSVN ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, dù đàn áp mạnh hơn

GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – CSVN “tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025” dù đàn áp nhân quyền ngày càng tệ hại hơn.

Truyền thông nhà nước tại Việt Nam hôm 22 Tháng Hai đưa tin, Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh đã thông báo qua cuộc họp trực tuyến cùng ngày của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Các nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (phải), Nguyễn Tường Thụy (trá) và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5 Tháng Giêng, 2021. (Hình: VNA/AFP/Getty Images)

Tại cuộc họp vừa kể, ông Phạm Bình Minh nói rằng “tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay” đang bị đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội, kinh tế.

Lời tuyên bố của ông Phạm Bình Minh trái ngược hoàn toàn với các bản tường trình hàng năm tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, của các chính phủ Mỹ, Liên Âu. Thậm chỉ, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã nhiều lần lên án CSVN vi phạm trắng trợn Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị mà họ đã đặt bút ký cam kết tuân hành.

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) gồm 47 thành viên là một tổ chức trực thuộc Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này được thành lập ngày 15 Tháng Ba, 2006 theo Nghị Quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Về Nhân Quyền đã chấm dứt hoạt động năm 2006.

Cùng với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc còn có Ủy Ban Nhân Quyền hay Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee) là một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc gồm 18 chuyên gia độc lập có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo định kỳ bốn năm một lần của 162 nước thành viên Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện Công Ước Quốc Tế về các quyền dân sự và chính trị, giải quyết các khiếu nại nhân quyền của các cá nhân là công dân của 112 nước tham gia vào Nghị Ðịnh thư bổ túc.

Ủy ban vừa kể họp ba lần trong một năm, mỗi lần kéo dài bốn tuần lễ (kỳ họp mùa Xuân tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, mùa Hè và mùa Thu tại Geneva, Thụy sĩ). Đây là một trong chín ủy ban thuộc hệ thống nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các công ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2018, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cho rằng tổ chức này có nhiều khuyết tật trầm trọng. Chẳng hạn, nhiều nước có chân trong hội đồng này đều là những nước đang có thành tích đàn áp nhân quyền trầm trọng như Cuba, Philippines, Trung Quốc, Ethiopia, Ai Cập…

Bà Đinh Thị Thu Thủy, người tranh đấu bảo vệ môi trường bị bắt ngày 18 Tháng Tư, 2020. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tháng trước, ngày 8 Tháng Giêng, 2021, bà Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên án CSVN vi phạm Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị khi kết án tù nặng nề các thành viên chủ chốt của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam từ 11 năm tù đến 15 năm tù.

Bà cho rằng cáo buộc họ “tuyên truyền chống nhà nước” CSVN là một “diễn biến đáng lo ngại về sự đàn áp ngày càng tăng đối với quyền tự do phát biểu tại nước này.”

Giữa Tháng Chín, 2020, bản báo cáo thường niên năm 2020 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nêu ra ít nhất 16 trường hợp người dân tại Việt Nam bị CSVN bỏ tù, tịch thu giấy tờ tùy thân, thẩm vấn hoặc theo dõi chặt chẽ từ năm 2019 đến thời điểm vừa nêu. Các vụ công an giữ lại các người từ nước ngoài trở về tại các phi trường để hạch hỏi, đe dọa mà không có luật sư tham dự cũng được nêu ra khá chi tiết.

CSVN luôn luôn chối không có tù chính trị hay tù nhân lương tâm tại Việt Nam trong các buổi điều trần về Nhân Quyền Tại Liên Hiệp Quốc. Theo tổ chức “Bảo vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền Việt Nam” thì nhà cầm quyền CSVN hiện đang giam giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm, tính đến cuối năm 2020. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT