Friday, March 29, 2024

CSVN tiếp tục ‘đu dây’ giữa Mỹ, Trung Quốc và siết nhân quyền

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 vừa kết thúc khóa họp 5 năm một lần vào sáng 1 Tháng Hai, giờ địa phương, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục bám chặt ghế tổng bí thư đảng sang nhiệm kỳ thứ ba.

Báo chí tại Việt Nam nhất loạt đưa tin kết thúc họp đại hội đảng 13 với màn “ra mắt” 200 ủy viên trung ương đảng CSVN, tức cơ chế lãnh đạo cao nhất của đảng. Trong đó, có 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết được bầu bán theo sự dàn dựng từ trước, hôm 30 Tháng Giêng.

Một phụ nữ chở chuối trên xe đạp bán rong ở Hà Nội kiếm sống qua ngày khi đảng CSVN họp đại hội. (Hình: Nhac Nguyen/AFP/Getty Images)

Hôm sau, 31 Tháng Giêng, đại hội công bố danh sách 18 người được bầu vào Bộ Chính Trị, với 2 trường hợp “đặc biệt” đã quá tuổi là Nguyễn Phú Trọng 77 tuổi, và Nguyễn Xuân Phúc, 67 tuổi.

Một số nhà phân tích thời sự quốc tế dựa vào các nguồn tin riêng nói rằng, tại những kỳ họp trung ương đảng năm ngoái để bầu bán sơ bộ, Nguyễn Xuân Phúc có nhiều phiếu nhất vào ghế tổng bí thư trong khi ông Nguyễn Phú Trọng muốn chọn Trần Quốc Vượng thay thế.

Thấy kế hoạch bị bể, ông Nguyễn Phú Trọng đã vận động phe cánh để ngồi lại trên ghế tổng bí thư dù bệnh tật, đi đứng khó khăn do bị đột quỵ nhẹ hồi Tháng Tư, 2019. Trần Quốc Vượng vừa mất cơ hội làm tổng bí thư vừa bị hất văng khỏi trung ương đảng khóa mới, tức phải nghỉ hưu.

Theo nhận xét của nhiều nhà phân tích quốc tế theo dõi sát chính tình Việt Nam, khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi ghế tổng bí thư, điều này có nghĩa là chính sách đối nội và đối ngoại CSVN vẫn tiếp tục như cũ.

Đối nội thì vẫn siết chặt nhân quyền, lo hồi phục kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 không những ngay trong nước mà trên cả thế giới tác động đến nền kinh tế hướng về xuất cảng của Việt Nam.

Đồng thời, ông Trọng vẫn tiếp tục chính sách đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để duy trì sự tồn tại cho đảng CSVN, dù một số nhà phân tích cho rằng ông ta có khuynh hướng thân Bắc Kinh hơn. Nhưng làm sao giữ được chủ quyền biển đảo trên Biển Đông và các quyền lợi đi kèm trước tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh vẫn là dấu hỏi lớn.

Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc lại là nguồn cung cấp phần lớn nguyên vật liệu, phụ kiện để sản xuất hàng hóa xuất cảng công nghệ.

Dân Hà Nội vẫn tất tả ngược xuôi trong thời tiết giá lạnh và dịch COVID-19 lây lan trở lại. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

Ông Trọng được báo chí quốc tế khen ngợi về quyết tâm “đốt lò” đã triệt hạ cả những đảng viên cấp cao, kể cả ủy viên Bộ Chính Trị, tham nhũng. Nay ông ta vẫn ngồi trên ghế quyền lực cao nhất, thì việc này sẽ vẫn tiếp tục nhưng cũng chỉ có khả năng làm đám tham nhũng các cấp ít lộ liễu hơn mà thôi.

Báo chí quốc tế dựa trên những tin tức rò rỉ đều cho rằng, khi Quốc Hội CSVN nhóm họp vào khoảng gần giữa năm nay, lúc đó, sẽ có màn trình diện chủ tịch nước là Nguyễn Xuân Phúc hiện là đương kim thủ tướng. Ghế thủ tướng vào tay cựu tướng Công An Phạm Minh Chính hiện là trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, còn chủ tịch Quốc Hội sẽ là Vương Đình Huệ hiện đang là bí thư Thành Ủy Hà Nội.

Theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói trên hãng tin Nikkei, “ông Trọng sẽ phải chuẩn bị người kế vị theo ý ông ta muốn những năm tới đây.”

“Những gì chúng ta nên theo dõi sát vài năm sắp tới là ông Trọng tồn tại bao lâu và ai sẽ là người thay thế ông ta nếu ông ấy phải đi xuống trước khi hết nhiệm kỳ,” lời ông Lê Hồng Hiệp trên Nikkei. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT