Monday, March 18, 2024

CSVN xây lại đài phun nước ở Sài Gòn vì ‘lý do phong thủy’?

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 20 Tháng Ba, báo Thanh Niên cho hay nhà cầm quyền thành phố ở Sài Gòn cho xây lại đài phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ ở ngay vị trí bùng binh Cây Liễu trước đây.

Theo báo Thanh Niên, “Vị trí giao giữa hai tuyến đường Lê Lợi và phố đi bộ Nguyễn Huệ là khu vực hết sức đặc thù về không gian. Công trình đài phun nước dự kiến hoàn thành trong quý II, 2019 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân.”

Tuy không có bài viết nào từ báo trong nước đề cập đến lý do “phong thủy,” nhưng trên mạng xã hội, có suy đoán rằng tình trạng bất ổn của giới lãnh đạo ở Sài Gòn là do các công trình trọng điểm mang tính phong thủy bị phá vỡ.

Hôm 20 Tháng Hai, 2019, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn, qua đời ở tuổi 53. Tin bà Thu qua đời gây nhiều bàn tán vì một ấn phẩm của báo Sài Gòn Giải Phóng trước đó xác nhận bà Thu là người ký văn bản “tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo.”

Sau đó, vào đầu Tháng Ba, các báo nhà nước xác nhận tin ông Huỳnh Cách Mạng, phó chủ tịch thành phố ở Sài Gòn “đang lâm bệnh” trước khi ông này bị điều chuyển làm phó ban tổ chức Thành Ủy ở Sài Gòn.

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 19 Tháng Ba, biến động nhân sự cũng khiến Sở Kế Hoạch-Đầu Tư ở Sài Gòn nay chỉ còn một phó giám đốc (bà Lê Thị Huỳnh Mai) “điều hành mọi việc.” Ngoài ra, hiện Sở Giao Thông-Vận Tải cũng đang khuyết vị trí giám đốc giống như Sở Kế Hoạch-Đầu Tư.

Nhà báo Mai Bá Kiếm, cựu phóng viên báo Phụ Nữ, bình luận trên trang cá nhân: “Ngày 30 Tháng Tư, 2015, Bí Thư Lê Thanh Hải, Chủ Tịch Lê Hoàng Quân cắt băng khánh thành phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã phá bỏ hồ nước [bùng binh Cây Liễu] chắn trước Tòa Đô Chánh, thay vào là hai đài phun nước, mà vòi phun đặt âm dưới lớp gạch đường. Sau đó, nội bộ lãnh đạo thành phố xào xáo, nhóm lợi ích đấu nhau dữ dội, các cựu lãnh đạo Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài bị bắt, Tất Thành Cang sắp vô lò… Phó Chủ Tịch Nguyễn Thị Thu chết. Chủ Tịch Nguyễn Thành Phong hoảng loạn nói, thanh tra, kiểm sát xuống làm việc, cán bộ mất tinh thần… Rồi một đại biểu Hội Đồng Nhân Dân thành phố sợ xanh mặt, đề xuất ra nghị quyết xây lại hồ nước để trấn yểm trụ sở 86 Lê Thánh Tôn…”

Từ những sự việc này, dư luận đặt nghi vấn cho rằng việc nhà cầm quyền đột nhiên cho xây lại đài phun nước ở bùng binh Cây Liễu diễn ra trong bối cảnh có nhiều xáo trộn và bất ổn về nhân sự lãnh đạo thành phố.

Bùng binh Cây Liễu đã bị phá bỏ hồi năm 2015, thời điểm đường Nguyễn Huệ được quy hoạch thành “phố đi bộ,” để lại nhiều nuối tiếc cho người Sài Gòn.

Bùng binh Cây Liễu là bùng binh đầu tiên ở Sài Gòn. (Hình: Người Đô Thị)

Trong cuốn “Sài Gòn Năm Xưa,” Học Giả Vương Hồng Sển cho biết bùng binh Cây Liễu, tên ban đầu là ngã tư Bồn Kèn, được xây dựng từ thời Pháp thuộc, nhìn ghé lên Thương xá Tax, trên đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay). Người Sài Gòn quen gọi là bùng Binh Cây Liễu bởi vòng xoay lúc nào cũng được phủ kín bởi những cây liễu.

Sau khi bị phá bỏ, ở vị trí của bùng binh Cây Liễu bây giờ là quảng trường phố đi bộ lót đá granit, phía dưới mặt đường có hồ nước ngầm, vòi phun kết hợp nhạc, ánh sáng… (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT