Wednesday, April 24, 2024

Cục thi hành án huyện ở Phú Yên ‘đẩy’ người dân ra đường vì số nợ nhỏ

PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Một gia đình giáo viên ở xã Hòa An chỉ nợ 29 triệu đồng ($1,257) nhưng bị Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Phú Hòa cưỡng chế kê biên toàn bộ đất đai, nhà cửa đang ở có giá trị gấp 15 lần số nợ và đem bán đấu giá, đẩy cả nhà ra đường.

Hơn một năm qua, vợ chồng thầy giáo Đào Minh Ký và vợ là bà Nguyễn Thị Vương (ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo, gõ cửa hàng loạt cơ quan hữu trách về việc Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Phú Hòa cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản của họ “có nhiều dấu hiệu bất thường, trái luật.”

Căn nhà của vợ chồng ông Đào Minh Ký đang sinh sống bị thi hành án kê biên bán đấu giá. (Hình: Duy Thanh/Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ dẫn hồ sơ cho biết theo phán quyết của tòa, Tháng Mười Hai, 2018, vợ chồng ông Ký phải thi hành án trả nợ hơn 59.6 triệu đồng ($2,583) cho hai người và nộp án phí dân sự. Tuy nhiên, do vợ chồng ông Ký không đủ tiền vì còn phải nuôi hai người con đang học đại học nên đến Tháng Tư, 2019, chỉ đủ tiền trả cho một người, còn nợ của ông TNLH khoảng 29 triệu đồng ($1,257), xin chậm trả nhưng ông H. không đồng ý.

Cho rằng vợ chồng ông Ký không trả dứt điểm số tiền trên cho ông H., chấp hành viên thi hành án Phú Hòa ra thông báo bán đấu giá tài sản đã cưỡng chế kê biên tài sản là ngôi nhà cấp bốn rộng hơn 92 mét vuông gắn liền với quyền sử dụng thửa đất diện tích 185 mét vuông, được thẩm định giá hơn 433 triệu đồng ($18,772).

Ngày 2 Tháng Giêng, 2020, ông Phạm Thành, chấp hành viên thi hành án Phú Hòa, gởi thông báo có người ghi danh mua nhà đất của vợ chồng ông Ký và sẽ tổ chức đấu giá vào lúc 2 giờ trưa 3 Tháng Giêng, 2020.

“Chúng tôi hết sức bất ngờ là ông Phạm Thành tống đạt thông báo cho gia đình đã là nửa buổi sáng ngày 2 Tháng Giêng, 2020, nhưng lại yêu cầu trước 2 giờ trưa cùng ngày ‘nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, bán đấu giá tài sản thì được nhận lại tài sản. Về hình thức, chúng tôi không thể thực hiện được việc nộp tiền vì thời gian ghi lùi lại đến 10 năm. Còn nếu cho rằng do nhầm đúng là năm 2020, thì thông báo này cũng sai luật vì yêu cầu chúng tôi nộp số tiền thi hành án trước khi mở cuộc đấu giá tài sản một ngày làm việc, tức là trước 2 giờ trưa 2 Tháng Giêng, 2020. Chưa kể, ông Thành đưa thông báo quá nửa buổi sáng mà chiều bắt nộp tiền, chỉ cách có mấy tiếng đồng hồ sao chúng tôi xoay kịp,” ông Ký bất bình nói.

Ngoài ra, trong thông báo do ông Phạm Thành ký còn có sai sót là “Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Đông Hòa thông báo cho vợ chồng ông Đào Minh Ký và bà Nguyễn Thị Vương,” thay vì phải là Chi Cục Thi Hành Án Dân Sự huyện Phú Hòa.

Theo bà Vương, không chỉ gây áp lực về mặt thời gian đóng tiền, thi hành án Phú Hòa còn kê biên thiếu nhiều tài sản của gia đình bà. Cụ thể, gia đình bà còn thửa đất trồng cây hằng năm với 217 mét vuông phía sau hè, có hai xe gắn máy và nhiều tài sản khác như bàn ghế, tủ gỗ, máy giặt, tủ lạnh… nhưng thi hành án Phú Hòa không kê biên.

“Lẽ ra khi nào kê biên các tài sản khác mà không đủ trả 29 triệu đồng ($1,257), thì họ mới kê biên nhà cửa, đất ở của chúng tôi. Đằng này thi hành án Phú Hòa cố đẩy gia đình chúng tôi ra đường khi chăm chăm lấy nhà đất duy nhất mà chúng tôi đang ở. Chưa hết, họ còn kê biên thiếu sân nhà, cổng và tường rào gắn liền với nhà cửa chúng tôi,” bà Vương nói.

Vợ chồng bà Vương khiếu nại rồi tố cáo, nhưng trong các kết luận giải quyết, thi hành án Phú Hòa đều cho rằng họ làm đúng, không sai.

Tin cho biết, lãnh đạo Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Phú Yên khi làm việc với vợ chồng ông Ký hồi cuối năm 2020, chỉ cho rằng chấp hành viên của thi hành án Phú Hòa “có một số sơ suất trong nội dung thông báo về việc có người ghi danh mua tài sản trước khi bán đấu giá, nhưng trong hệ thống văn bản thủ tục đã tống đạt cho gia đình ông Ký đều có đầy đủ nội dung đúng quy định pháp luật.”

Mới đây, sau khi bị báo đài phản ánh, Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Phú Yên đã cho xác minh và thừa nhận “có những dấu hiệu vi phạm, thiếu sót của các chấp hành viên thi hành án Phú Hòa trong việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản của ông Ký, bà Vương dẫn đến không thể thu hồi tài sản. Do đó, việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá cũng không thể thực hiện, gây khiếu nại, tố cáo kéo dài.”

Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Phú Yên, nơi đang tồn đọng những vụ án “khó hiểu” trong việc mua, bán tài sản đấu giá. (Hình: Công An TP.HCM)

Nói với báo Tuổi Trẻ ngày 20 Tháng Tư, ông Nguyễn Tư Pháp, phó cục trưởng Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Phú Yên, cho biết ngày 19 Tháng Tư vừa qua, thi hành án Phú Hòa đã “thỏa thuận thành công với doanh nghiệp đấu giá, người trúng đấu giá, qua đó hủy hợp đồng và kết quả bán đấu giá tài sản trên.” Các thiệt hại do việc hủy hợp đồng và kết quả bán đấu giá này các đơn vị, cá nhân thuộc thi hành án Phú Hòa phải khắc phục.

“Sau khi xử lý xong sự việc, cục sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ vi phạm trong vụ việc này,” một lãnh đạo khác của Cục Thi Hành Án Dân Sự tỉnh Phú Yên cho hay. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT