Thursday, March 28, 2024

Cựu tù nhân Chu Mạnh Sơn bị bắt ở Thái Lan khi chờ định cư Canada

BANGKOK, Thái Lan (NV) – Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn bị cảnh sát Thái Lan bắt giam và đang đối diện bị trục xuất về Việt Nam.

Facebooker Mary Phương, vợ ông Chu Mạnh Sơn, và một số thân hữu loan tin trên trang Facebook cá nhân hôm mùng 9 Tháng Tư khi họ đang chờ hoàn tất những thủ tục cuối cùng mà chính phủ Canada đòi hỏi để có thể được tới nước này định cư.

Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn (bên trái) và gia đình người đồng cảnh ngộ tại Bangkok, Thái Lan. (Hình: FB Mary Phương)

Theo Facebooker Trang Nguyễn được bà Mary Phương dẫn lại, tòa án Thái Lan ở quận Pathum Wan, Bangkok, ngày 9 Tháng Tư đã “ra phán quyết trục xuất ba người lớn và 2 trẻ em người Việt đang tị nạn chính trị tại quốc gia này với lý do “nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp”.

Những người bị bắt giữ hiện đang bị giam tại “Trung tâm giam giữ nhập cư bất hợp pháp (IDC) gồm ông Chu Mạnh Sơn và gia đình 4 người của ông Nguyễn Văn Thêm (gồm ông Thêm, vợ Nguyễn Thị Luyến, con trai Nguyễn Tiến Đạt 17 tuổi và con sơ sinh mới 5 tháng tên Nguyễn Nhật Nam).

Theo bà Mary Phương, buổi sáng ngày Thứ Sáu mùng 8 Tháng Tư, ông Chu Mạnh Sơn và gia đình ông Nguyễn Văn Thêm “đến cơ quan cảnh sát Thái Lan để xin giấy xác nhận lý lịch thân nhân theo yêu cầu của Đại sứ quán Canada. Tuy nhiên, khi làm việc với cảnh sát Thái Lan thì chồng tôi và gia đình anh Thêm bị cảnh sát Thái bắt giam vì “cư trú bất hợp pháp” ở đất nước này.”

Việc họ phải đến Sở Cảnh Sát Thái Lan là “thủ tục bắt buộc và gần như cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ định cư Canada do tổ chức VOICE bảo lãnh,” bà Mary Phương kể.

“Trước đây giấy xác nhận lý lịch này do Đại sứ quán Canada và Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp quốc thực hiện. Không chỉ riêng gia đình tôi, một số người tị nạn chuẩn bị đi định cư Canada cũng đã nhận được thư yêu cầu phải thực hiện hành động nguy hiểm tương tự.”

Bà Mary Phương cho hay: “Việc chồng tôi và những người tị nạn khác phải đến đồn cảnh sát là do không còn lựa chọn nào khác. Trong thư, phía Canada đã yêu cầu chồng tôi phải sớm xin lý lịch từ cảnh sát. Đặc biệt, họ nói rằng nếu trong vòng 1 tháng kể từ khi nhận thư của họ mà không bổ sung giấy tờ này, họ sẽ gác hồ sơ và nếu muốn chúng tôi sẽ phải làm lại hồ sơ xin định cư từ đầu.”

Được biết, Thái Lan chưa ký Công Ước về Người Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc nên họ không công nhận người tị nạn đến nước họ dù những người này có được Liên Hiệp Quốc công nhận hay không. Đã có nhiều người Việt Nam gồm cả người Thượng, người Hmong Việt Nam và Lào đã bị trục xuất trước đây.

Những người bị trục xuất về Việt Nam lại bị CSVN bỏ tù với cáo buộc vượt biên bất hợp pháp bên cạnh những cáo buộc khác nếu họ là những người từng tham gia các hoạt động vận động dân chủ hóa đất nước, vận động tự do tôn giáo, tự do báo chí, phát biểu, biểu tình.

Nhà báo độc lập Trương Duy Nhất, khi sang Thái Lan, chờ đi định cư ở nước thứ ba, đã bị CSVN cho gián điệp sang Bangkok bắt cóc hồi năm 2019, đưa về Việt Nam kết án 10 năm tù. Vụ án ông Nhất gây sôi nổi dư luận trong ngoài nước.

Cựu tù nhân lương tâm Chu Mạnh Sơn ra tù năm 2014 được thân nhân và bằng hữu chào mừng. (Hình: TNCG)

Bà Mary Phương cho báo Người Việt hay, vợ chồng bà sang tị nạn ở Bangkok từ 5 năm qua, xin đi định cư ở nước thứ ba và đã được Canada cứu xét chấp thuận với sự trợ giúp của tổ chức VOICE.

Tại Bangkok, vợ chồng bà sanh con đầu nay đã 4 tuổi. Bà lại vừa sanh son thứ nhì mới được 5 ngày nhưng đã phải hối hả lo cầu cứu với hy vọng cứu được chồng không bị trục xuất về nước.

Ông Chu Mạnh Sơn, năm nay 33 tuổi, là một trong chín thanh niên Công Giáo ở Nghệ An bị CSVN kết án tù năm 2011, vu cho họ là “thành phần Việt Tân” hoạt động “âm mưu lật đổ” chế độ.

Ông bị kết án 3 năm tù. Ra tù, ông cũng như các bạn bè vẫn vận động cho dân chủ, nhân quyền, bị nhà cầm quyền địa phương truy bức nên quyết định chạy qua nước Thái để xin đi tị nạn chính trị qua Văn Phòng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đặt ở Bangkok.

Bà Mary Phương cho biết vì bà mới sanh, không đi cùng chồng nên đã không bị bắt. Tuy nhiên, bà đã thông báo cho Văn Phòng Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhờ can thiệp. Họ đã “trực tiếp có mặt và bảo lãnh nhưng cảnh sát Thái Lan vẫn không đồng ý. Chúng tôi cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ của các văn phòng BRC, CAP, và thậm chí là thuê luật sư Thái Lan bên ngoài, đóng tiền thế chân đầy đủ, dù vậy cảnh sát vẫn cương quyết bắt nhốt chồng tôi tại trung tâm giam giữ người bất hợp pháp (IDC).”(TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT