Monday, March 18, 2024

Dân Chợ Lách tiêu tan sản nghiệp vì bờ sông sạt lở

BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Từ bốn năm qua, hơn 700 gia đình ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, luôn ám ảnh, lo sợ mất sản nghiệp bởi “hà bá.” Thế nhưng cho đến nay, giới hữu trách vẫn chưa có kết luận chính thức nào về nguyên nhân gây sạt lở.

Kể với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Lược (69 tuổi, ở cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) cho biết: “Cồn này bị sạt lở từ khoảng bốn năm qua nhưng khủng khiếp nhất là từ Tháng Tháng Mười Một năm ngoái đến nay.”

Tối ngày 13 Tháng Mười Một, 2017, một đoạn bờ sông dài khoảng 350 mét, sâu vô 20 mét ở ấp Phú Bình bị sụp hoàn toàn xuống sông Cổ Chiên, nhấn chìm bốn căn nhà xuống nước và kéo theo bảy căn nhà khác hư hỏng, dân phải di dời khẩn cấp vì nạn sạt lở đã trở nên nghiêm trọng.

Gần đây nhất, trưa ngày 3 Tháng Tám, dân cồn lại chứng kiến cảnh “hà bá” sông Cổ Chiên “nuốt chửng” ao cá tra ở ấp Phú Bình, với khoảng hai triệu con cá to bằng cườm tay người lớn của Công Ty Vạn Đức.

“Chúng tôi đứng ngó cảnh cá trong ao trôi theo dòng nước ra sông Cổ Chiên mà chẳng làm gì được. Chờ nước bớt đổ, chúng tôi nhảy xuống dùng lưới chặn lại được 1/3 số cá, coi như mất toi gần 2 tỷ đồng (hơn $85,704),” ông Nguyễn Văn Bay, kỹ sư giám sát công trình Công Ty Vạn Đức kể.

Ông Bay cho biết thêm: “Mỗi năm chúng tôi phải tốn tầm 2 tỷ đồng để mua cát vô bao tấn xuống bờ sông chống sạt lở. Tấn hoài mà nó cũng khuyết hoài, tháng nào cũng kiểm tra, cũng tấn lại.”

Theo tường thuật của báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, tại khu vực bờ sông cồn Phú Đa, thuộc ấp Phú Bình có hàng chục ao cá loại lớn bị bỏ hoang phế, nhiều căn nhà bị dỡ nóc.

Anh Hà Trường Vũ, chủ một căn nhà vừa dỡ nóc ở khu vực đuôi cồn Phú Đa nói: “Nó đã sạt đến mé nhà, không biết tuột xuống sông khi nào nên cha con tôi phải dỡ tôn bỏ nhà, lùi vào trong 200 mét dựng chòi để ở cho an toàn.”

Hầu hết người dân ở cồn Phú Đa khẳng định, nguyên nhân gây ra nạn sạt lở cồn là do việc khai thác cát dưới sông quá mức trong thời gian dài. Người dân quyết liệt ngăn cản nhưng không có hiệu quả. Cao điểm là bốn năm gần đây, “cát tặc” cứ lén lút khai thác.

“Có lúc họ thò vòi hút cát vào sát đất của tôi, tôi ra la họ còn cự lại,” anh Vũ tức giận nói.

Thế nhưng, ông Đoàn Hữu Đức, chủ tịch xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách thì không cho rằng như vậy.

“Đến nay thì nguyên nhân sạt lở vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, có căn cứ khoa học. Nhưng qua khảo sát vụ sạt lở nhà dân hồi năm ngoái, tôi thấy không phải do khai thác cát mà nghiêng nhiều về nguyên nhân dòng chảy,” ông Đức biện minh.

Dù nói vậy nhưng ông Đức thừa nhận, các hoạt động ngăn chặn “cát tặc” đang được ủy ban xã Vĩnh Bình thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau và tạm thời đã giảm hẳn so với năm 2017.

Trong khi đó, ông Trần Văn Đém, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Chợ Lách, cho hay cái khó hiện nay là trong khi Bến Tre quyết liệt ngăn chặn “cát tặc” ở khu gần cồn Phú Đa, thì phía bên kia sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Vĩnh Long, có các mỏ cát được cấp phép khai thác, nên nhiều tàu ghe bên đó thường hay lén qua phía ranh giới với Bến Tre hút trộm cát. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT