Thursday, April 18, 2024

Dân Việt Nam ‘méo mặt’ khi giá điện tiếp tục tăng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Người dân tại Việt Nam sẽ tiếp tục ‘méo mặt’ bởi giá điện tiếp tục tăng vào năm tới khi các giới chức cấp cao của chế độ than thở “nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện”.

Giữa tuần qua, thứ trưởng bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng, kêu trong cuộc họp báo là “Năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thuỷ văn không thuận lợi, cực đoan. Cùng với đó, loạt công trình điện chậm tiến độ…” theo tường thuật của tờ Dân Trí.

Vào dịp này, vẫn theo tờ Dân Trí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết thêm, vì không sản xuất đủ nhu cầu nên “năm 2019, sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đạt khoảng 2.1 tỷ kWh, từ Lào đạt 1.1 tỷ kWh. Năm 2020, ước tính vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng sẽ ở khoảng hơn 2 tỷ kWh và hơn 1 tỷ kWh nhập từ Lào.”

Mực nước hồ thủy điện Hòa Bình gần với mực nước chết “30 năm chưa từng có”. (Hình: Lao Động)

Trong cuộc họp báo, quan chức Bộ Công Thương CSVN nhìn nhận Tập đoàn điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN) trong năm 2018 “lãi 698 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%” nhưng “khoản chi phí như tỷ giá hiện chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018.” Và “do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3,090.9 tỷ đồng được treo lại”.

Bản tin của Dân Trí viết rằng “Lãnh đạo EVN cũng cho biết, về nguyên tắc tỷ giá tăng phải đưa vào giá điện . Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất kinh doanh điện.” Nói khác, các ông bắn tiếng là đổ cái khoản “chênh lệc tỷ giá” đó lên đầu người tiêu thụ mà người ta hiểu sẽ tăng giá điện.

Trước khi có cuộc họp báo nói trên chưa đầy một tuần lễ, ngày 12 Tháng Mười Hai 2019, báo Lao Động đưa tin “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa phát đi thông báo nguy cơ thiếu nước vì hồ thủy điện Hòa Bình mực nước tích được vẫn thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm. Trong khi đó, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các hồ chứa lớn quan trọng trên lưu vực sông Hồng đều ở mức thấp, dẫn tới nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cấp cho hạ du.”

Hồ thủy điện báo động thiếu nước “đứng trước nguy cơ gần với mực nước chết” “chưa từng có trong 30 năm” thì sẽ cắt giảm khả năng sản xuất điện, gia tăng khả năng mua điện từ nước ngoài, liên quan đến “tỷ giá chênh lệch” sẽ phải tính vào giá điện.

Hồi Tháng Bảy 2019, EVN báo động “Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Trong khi nhiều dự án nguồn chậm tiến độ, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong giai đoạn tới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.”

Theo bản báo cáo đề ngày 4 Tháng Sáu, 2019, EVN ước lượng khả năng thiếu điện trong ba năm tới là “Năm 2021: 3.7 tỷ kWh; Năm 2022: 10 tỷ kWh; Năm 2023: 12 tỷ kWh”.

Một trong những nguyên nhân là “Trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW giai đoạn 2016-2030, có tới 47 dự án chậm tiến độ từ 9 tháng đến 1 năm hoặc chưa xác định được tiến độ.”

Trong khi thiếu điện phải đi mua điện từ cả Lào và Trung Quốc, ngày 18 Tháng Mười Hai 2019, VNExpress đưa tin “Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh, thành và EVN dừng đề xuất các dự án điện mặt trời cho tới khi có cơ chế giá mới.”

Trước đó có tin vì số dự án điện mặt trời phát triển quá nhanh, hệ thống truyền tải điện bị “quá tải” nên Trung tâm Điều độ điện Quốc gia buộc một số dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận phải cắt giảm công suất.

Hồi Tháng Tư, 2019, EVN ra thông báo “tăng giá điện lên 8.36%” kể từ ngày 20 Tháng Ba, “thế nhưng sau khi cầm trên tay hoá đơn tiền điện, người dân mới ngỡ ngàng khi con số không dừng lại ở 8.36% mà lên tới 50-70%”, theo bản tin VNExpress. (TN)

MỚI CẬP NHẬT