Friday, April 26, 2024

Đổ thêm tiền nhưng chưa biết khi nào đường sắt Cát Linh-Hà Đông ‘chạy’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đoạn đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông chưa biết bao giờ bắt đầu đưa đón hành khách dù vừa phải xin “rót thêm vốn” hơn $99 triệu cho “1%” công việc còn lại.

Dự án đầu tư đường sắt trên cao tại Hà Nội từ Cát Linh đi Hà Đông đầy tai tiếng cả chục năm qua vừa thấy báo chí trong nước nói Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố vừa thông qua kế hoạch “vay lại” từ nhà cầm quyền trung ương hơn $2,300 tỷ đồng (hơn $99 triệu). Số tiền này, được thấy giải thích là để giải quyết “một số hạng mục nhỏ liên quan đến công tác xây lắp, đặc biệt phải chứng minh được an toàn hệ thống.”

Theo báo Đất Việt hôm Thứ Ba, 9 Tháng Bảy, 2019, cách đây hơn một tháng, ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, giải thích như vừa kể khi điều trần ở Quốc Hội, nhưng cho tới nay “không ai biết 1% khối lượng công việc ấy sẽ kéo dài đến bao lâu, ngay chủ đầu tư là Bộ Giao Thông Vận Tải cũng không đưa ra được một mốc thời gian cụ thể bao giờ tàu chạy sau khi dự án đã có tới tám lần lỡ hẹn.”

Báo này thuật lời ông Bùi Danh Liên, cựu chủ tịch Hiệp Hội Vận Tải thành phố Hà Nội, cho rằng “cơ quan chức năng cũng không trả lời được dứt khoát, rõ ràng về thời gian vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì người dân không thể nào hiểu được.”

Rất nhiều đại dự án từ thủy điện đến nhiệt điện, sơ sợi, bô xít, sắt thép, hóa chất dính đến nhà thầu Trung Quốc, đều có đủ loại vấn đề “đội vốn,” “chậm tiến độ,” “máy móc lạc hậu” mà nằm bên dưới các dự án này là các cơ hội để quan chức đảng viên móc ngoặc với tư bản đỏ Trung Quốc chia chác, ăn hối lộ.

“Không chỉ ở Việt Nam, nhiều dự án của Trung Quốc thực hiện ở các quốc gia khác trên thế giới cũng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, hủy hợp đồng… Tuy nhiên, theo thông lệ, khi dự án chậm tiến độ so với hợp đồng, bên nào gây ra phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị phạt. Thế nhưng, hợp đồng của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông quy định ra sao, các điều khoản xử lý, phạt hợp đồng thế nào… không được công khai nên người ngoài không thể nói gì được,” ông Bùi Danh Liên được báo Đất Việt trích lời nói.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Hình: Lao Động)

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông chiều dài chỉ có 13.5 km. Tổng vốn đầu tư ban đầu hơn $552 triệu, làm dở đang, nhà thầu Trung Quốc đòi phải tăng vốn mới làm tiếp. Bộ Giao Thông Vận Tải chấp nhận nên dự án bị đội lên thành $891.9 triệu, trong đó sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam.

Dự án khởi công Tháng Mười, 2011, tin tức lúc đầu nói dự án hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại từ Tháng Sáu, 2015. Ì ạch làm được ít lâu thì có tin đến Tháng Sáu, 2016, thì xong. Nhưng đến Tháng Mười Hai, 2016, rồi Tháng Hai, 2017, đến Tháng Mười, 2017, và hứa quý II/2018.

Tuy nhiên, cuối năm 2018 vẫn chưa xong, rồi bắn tiếng Tháng Tư, 2019, là bắt đầu “vận hành.” Bây giờ là Tháng Bảy, 2019, rồi nhưng vẫn thấy im.

Khi ra trả lời chất vấn ở Quốc Hội, báo Đất Việt ngày 6 Tháng Sáu, 2019, thuật lời Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể về khoản vay tín dụng Trung Quốc là “ta ký vay vốn, Trung Quốc chỉ định thầu.” Nhà thấu Trung Quốc không phải là một công ty có vốn lớn và chuyên môn về thiết kế và xây dựng đường sắt. Thêm nữa, các điều kiện thỏa thuận thực hiện dự án lại được mô tả là “bất lợi” cho phía Việt Nam nhưng không hề thấy được cho công chúng biết sự thật.

Hôm 8 Tháng Bảy, báo Đất Việt thuật lời ông Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài Chính) cho rằng, tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu an toàn, chưa thực hiện được một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa vận hành thử toàn bộ hệ thống, chưa có đủ hồ sơ hệ thống quản lý an toàn vận hành dẫn đến chưa đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ an toàn hệ thống để cấp chứng nhận an toàn theo quy định.

Nguồn tin thuật lời ông Thịnh cho biết có nhiều điều tưởng như không thể xảy ra nhưng lại xảy ra ở dự án này. Đây là một dự án quan trọng của quốc gia, Việt Nam vay tiền để làm nhưng lại giao cho một nhà thầu kém, hợp đồng quá dễ dãi, sơ hở, thiếu những ràng buộc cụ thể, cuối cùng ta trở nên bị động.

“Trong khi tiền Việt Nam vay nợ vẫn phải trả thì lại không có ràng buộc tương xứng đối với tổng thầu. Cuối cùng dự án chậm trễ hết lần này đến lần khác, và giờ có chậm nữa cũng chẳng thể làm gì được họ. Việc duy nhất Bộ Guao Thông Vận Tải có thể làm lúc này là thúc giục tổng thầu hoàn thiện các hạng mục còn lại, hoàn thiện các thủ tục để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu và bàn giao dự án,” ông Thịnh nói.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông có từ đời ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng và qua ba đời bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, cũng như chẳng có ai chịu trách nhiệm mà “thậm chí trách nhiệm được đổ cho người tiền nhiệm.”

Hiện dư luận cũng đang chú ý đến một dự án khác là đường sắt cao tốc Bắc-Nam khi có tin trên báo chí trong nước cho biết: “Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng $26 tỷ áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h; trong khi trước đó Bộ Giao Thông Vận Tải đề nghị phương án tàu tốc độ 350 km/h, với tổng vốn $58.7 tỷ” phí tổn chênh lệch nhau tới kinh hoàng.

Nhiều chuyên gia từng can ngăn không nên làm đường sắt cao tốc Bắc Nam vì vốn đầu tư khổng lồ và “đổ nợ” lên đầu các thế hệ sau này. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT