Friday, April 26, 2024

Đón lũ muộn, dân Đồng Tháp hối hả mưu sinh

ĐỒNG THÁP, Việt Nam (NV) – Con nước thượng nguồn từ sông Mekong đã tràn về miền Tây mỗi lúc một lớn dần, cá tôm xuất hiện ngày càng nhiều hơn đã mang lại niềm vui cho người dân ở các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, nơi giáp biên giới với Cambodia.

Hơn 10 ngày nay, cuộc sống sinh hoạt của người dân xã Thường Thới Hậu A, một trong vài xã đầu nguồn lũ ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) hoàn toàn thay đổi. Khác với không khí buồn tẻ, rỗi nghề khi vắng lũ trước đó, người dân nơi đây đang tất bật các hoạt động mưu sinh, bởi toàn xã có đến hàng trăm gia đình sống nương nhờ con nước lũ.

Theo báo Zing, ngày 14 Tháng Chín, 2019, dù tôm cá bắt được chưa nhiều nhưng người dân địa phương vui hẳn. Họ không còn e ngại, hoang mang như những ngày không biết lấy gì để sống. Con nước về, giải tỏa “cơn khát lũ” mấy tháng qua.

Đi dọc trên các tuyến đường của xã Thường Thới Hậu A, nhiều nhóm phụ nữ, trẻ em ngồi quay quần bên nhau lựa ra các loại cá đồng, cua, lươn vừa bắt được dưới sông hay trên cánh đồng ngập nước sau nhà bằng dớn (một loại dụng cụ bằng lưới mành để đón bắt luồng cá, tôm đầu mùa).

Những đám cây điên điển mọc dại đầy bông mang lại thu nhập cho nhiều người. (Hình: Zing)

Song, có lẽ điều người dân vùng lũ vui mừng nhất là sự xuất hiện của cá linh, một đặc sản đang có giá trị cao. Bởi lệ thường, cá linh non sẽ về với con nước đầu mùa lũ Tháng Bảy âm lịch. Khi ấy, cá xuôi theo dòng từ thượng nguồn Mekong đổ về các nhánh của sông Tiền, sông Hậu, trong đó có dòng chảy trực tiếp vào đồng đất của xã Thường Thới Hậu A, là nơi đón mùa cá linh sớm nhất.

Ngoài đặt dớn, hái bông điển điển bán cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây. Ông Lê Văn Được (ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A), cho biết năm nay đám điên điển chưa cho bông nhiều như những năm trước, nên mỗi buổi hái, ông chỉ thu được khoảng hai kg, bán được khoảng 70,000 đồng ($3).

Mớ cá, nhúm rau được người dân vùng lũ mang bán ngay trong đêm. (Hình: Zing)

Để có được số bông điên điển trên, ông Được phải ra đồng từ 4 giờ sáng đến khoảng 8 giờ sáng thì ngưng. “Chỉ những người chịu khó, kiên nhẫn mới có thể làm nghề này, vì thu nhập ít nhưng tốn nhiều thời gian,” ông Được nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Anh Phong (ở xã Thường Thới Hậu A), một trong số những “cao thủ” săn ếch mùa nước nổi, mỗi buổi sáng trong ngày chỉ bỏ ra khoảng 4-5 giờ là câu được từ 15-20 kg, bán được cả triệu đồng.

Ngoài đặt dớn, hái bông điển điển bán, câu ếch, người dân quê vùng lũ còn tất bật với nhiều cách thức mưu sinh như bắt chuột đồng, hái rau muống. Một số người đi giăng lưới để tìm sản vật mùa lũ mang ra chợ bán. Công việc của họ diễn ra liên tục cả ngày cho đến đêm tối trên những cánh đồng ngập nước mênh mông. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT