Thursday, April 18, 2024

Các bị cáo vụ Đồng Tâm bác bỏ cáo trạng, tố cáo video clip sai sự thật

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các bị cáo tố cáo bị tra tấn ép cung, phủ nhận cáo trạng vì sai sự thật trong khi các video clip chiếu mỗi khi thẩm vấn một bị cáo đã được dàn dựng, lồng ghép “nhận tội.”

Luật Sư Ngô Văn Tuấn viết bản tường thuật trên trang Facebook cá nhân, tóm tắt phiên tòa xử 29 người dân xã Đồng Tâm tại tòa án thành phố Hà Nội chiều 7 Tháng Chín và sáng 8 Tháng Chín, 2020, qua các phần xét hỏi các bị cáo của thẩm phán cũng như lời chất vấn của các luật sư. Một số luật sư khác cũng tường thuật một số chi tiết khác của phiên tòa trong khi báo chí nhà nước cũng khai thác theo nhu cầu tuyên truyền và quy chụp các “bị cáo.”

Người dân xã Đồng Tâm trong phiên xử sơ thẩm ngày thứ hai tại Hà Nội hôm 8 Tháng Chín, 2020. (Hình: TTXVN)

Theo những gì Luật Sư Ngô Văn Tuấn ghi lại, 25 người đã trả lời phần thẩm vấn tại tòa, hầu hết đều là những người bị vu cho tội danh “Giết người” với bản án có thể lên đến tử hình, vì đều bị cho là “có tổ chức” lại “giết người thi hành công vụ.” Rất nhiều người nói bản cáo trạng đối với họ “không đúng” hoặc “sai sự thật” đối với những gì đã xảy ra tại xã Đồng Tâm sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020, khi nhà cầm quyền CSVN xua hàng ngàn cảnh sát cơ động, công an trang bị nhiều loại võ khí tấn công nhằm dứt điểm chống đối thu hồi đất.

Ông Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, bị cáo lớn tuổi nhất, ngoài chuyện “hoàn toàn không đồng ý nội dung bản cáo trạng,” ông còn trình bày nguồn gốc đất tranh chấp giữa dân địa phương với nhà cầm quyền CSVN. Ông “là chủ nhiệm hợp tác xã, nắm rõ nguồn gốc 59.6 hécta đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm. Các cụ cao niên gần 90 tuổi ở địa phương đều công nhận với chúng tôi nội dung trên,” tức là không phải “đất quốc phòng” như phía nhà cầm quyền vơ vào để cưỡng chế.

Khi chủ tọa phiên xử cho chiếu video clip lời khai của ông Bùi Viết Hiểu, ông nói rằng: “Clip ghi lời khai của bị cáo vừa chiếu bị cắt ghép, không phản ánh đúng sự thật đã diễn ra.” Đồng thời, những lời khai ghi trong bản cáo trạng là “những lời do điều tra viên bắt tôi phải nói đúng như vậy.”

Ông Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7 Tháng Chín, 2020. (Hình: TTXVN)

Luật Sư Nguyễn Văn Miếng tường thuật thêm rằng: “Cụ Bùi Viết Hiểu bị xét hỏi đầu tiên. Cụ phản bác video vì ‘hình ảnh ghép rất nhiều.’ Họ đã lấy clip của sự kiện Công An Hà Nội giải phóng con tin tại nhà văn hóa xã ngày 19 Tháng Tư, 2017, để ghép cho sự kiện 9 Tháng Giêng, 2020. Clip nhận tội trong trại tạm giam, đã bị xóa phông, là cụ bị ép nói đúng như những gì cảnh sát điều tra sắp xếp.”

Ông Lê Đình Chức kể lại sự việc xảy ra đêm 9 Tháng Giêng, 2020, rằng khi ông “nghe tiếng Trịnh Văn Hải kêu có người rơi xuống hố nên bị cáo cầm dao phóng lợn chọc xuống. Sau đó thấy có ngọn lửa dưới bùng lên nên bị cáo thụt lại. Sau đó bị cáo lấy hai nắp xăng châm lửa ném xuống; sau đó bị cáo có kêu Doanh mang can xăng đổ cho bị cáo ném xuống.”

Luật Sư Đặng Đình Mạnh hỏi ông Lê Đình Công thì ông Công cho biết những vết thương trên mặt của ông là “do vết đạn bắn.” Khi được hỏi: “Sau khi bị bắt, ông có bị bức cung, nhục hình gì không?” Thì ông trả lời: “Bị đánh mười ngày như một. Ông Phạm Việt Anh dùng dùi cui cao su đánh.”

Bà Bùi Thị Nối, con nuôi cụ Lê Đình Kình, nhìn nhận bà đi mua xăng để làm bom xăng “thiêu chết hết bọn tham nhũng.” Bà chất vấn chủ tọa phiên tòa “tại sao chúng ta có luật mà dẫm lên pháp luật” thì bị lôi ra khỏi phòng xử.

Theo Luật Sư Nguyễn Văn Miếng kể, không được cho nói, bà Nối đứng trên ghế mình phải ngồi để lớn tiếng “hỏi tội” chế độ CSVN, bất chấp sự cản trở của hai nữ cảnh sát.

Ông Lê Đình Công tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7 Tháng Chín, 2020. (Hình: TTXVN)

Trưa 8 Tháng Chín, Luật Sư Lê Văn Luân đã viết một “Bản đề nghị về chứng cớ” gửi Hội Đồng Xét Xử Sơ Thẩm và Viện Kiểm Sát, cáo buộc các video clip “nhận tội” đưa chiếu mỗi khi thẩm vấn bị can tại phiên xử là những thứ “các luật sư đã không được tiếp cận và không được liệt kê trong danh sách các vật chứng trong tài liệu vụ án.”

Sử dụng chúng (không có trong thống kê lài liệu, vật chứng của vụ án) mà các luật sư không được biết là trái luật, không thể coi là chứng cớ để quy chụp, lên án các bị cáo.

Trước đó, các luật sư vào ngày 3 Tháng Chín đã gửi kiến nghị đòi tòa án CSVN tại Hà Nội phải trả hồ sơ để điều tra lại các nội dung mâu thuẫn, sai các điều khoản quy định trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự nhưng đã bị phớt lờ, phiên tòa cứ diễn ra.

Bà Bùi Thị Nối bị dẫn giải tại tòa án Hà Nội. (Hình: Facebook)

Đặc biệt, trong đó, ghi nhận lời kể của bị cáo Bùi Viết Hiểu với luật sư là khi cụ Lê Đình Kình bị bắn ông đứng rất gần đó. Tên bắn cụ Kình đúng trước mặt chỉ cách cụ Kình chừng 1 mét, chĩa súng (nòng súng to bằng cổ tay) vào ngực cụ bóp cò liên tiếp làm cụ chết tại chỗ. Viên đạn trổ từ trước ngực (dấu nhỏ) ra sau (vết thương to) đúng như nhìn thấy trên thi thể, trong khi báo chí nhà nước lu loa là cụ bị bắn từ sau lưng, cách khoảng hơn 2 mét, trong khi trên tay còn cầm quả “lựu đạn.” Ông Hiểu phủ nhận điều vu cáo này và cho biết, các con của cụ Kình không bao giờ đưa lựu đạn cho ông bố tàn tật, đi đứng khó khăn, phải chống gậy.

Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang cho rằng: “Không thể chỉ dùng cụm từ ‘sai quy trình, thủ tục tố tụng’ để miêu tả phiên xét xử 29 người dân Đồng Tâm, bắt đầu sáng nay (7 Tháng Chín, 2020) tại Hà Nội. Sự thật kinh khủng hơn thế: Đây là một phiên tòa được lập ra để hợp thức hóa việc giết người, diệt khẩu.”

Phiên tòa còn tiếp diễn mà các bản tường thuật trên báo chí của nhà nước CSVN đều đồng loạt nói các bị cáo đều nhìn nhận tội trạng và xin khoan hồng. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT