Thursday, April 25, 2024

Dự án nhiệt điện Trung Quốc phá nát môi trường ở Bình Thuận

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Hơn năm năm kể từ khi Dự Án Nhiệt Điện Vĩnh Tân của Trung Quốc hoạt động, người dân huyện Tuy Phong và vùng lân cận phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn do môi trường biển, nước và không khí ô nhiễm nặng nề.

Theo báo Zing ngày 17 Tháng Mười, 2019, dự án Nhiệt Điện Vĩnh Tân do Trung Quốc đầu tư 95%, gồm có bốn nhà máy nhiệt điện và một cảng biển được xây dựng nằm ngay quốc lộ 1, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Do được chạy bằng than đá với tổng công suất lên đến 5,600 MW, các ống xả khói và bụi từ bãi xỉ than của nhà máy luôn bị gió biển đẩy thẳng vào khu dân cư, dẫn đến tình trạng ô nhiễm cho cả một khu vực rộng lớn. Đặc biệt, Nhà Máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 được khánh thành hồi Tháng Chín vừa qua lại có vị trí rất gần khu dân cư.

Nói với báo Zing, nhiều người dân cho biết sau vụ biểu tình hồi năm 2015, ban giám đốc dự án Nhiệt Điện Vĩnh Tân và chính quyền địa phương đã cam kết với người dân sẽ sử dụng xe bồn kín để vận chuyển tro, xỉ than. Thế nhưng, hiện mỗi ngày có đến hàng ngàn chuyến xe ben chở chất thải này chỉ được quây chắn sơ sài, đua nhau phát tán khói bụi vào khu dân cư.

Người dân mỗi ngày phải lau chùi nhà cửa nhiều lần mà vẫn không hết bụi. (Hình: Zing)

Ông Hoàng Mình Thuận (49 tuổi, ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân) tức giận cho biết: “Vào ban ngày nhà máy còn chạy hệ thống lọc tĩnh điện để hạn chế bụi tro, nhưng ban đêm thì họ xả thải trực tiếp ra môi trường nhằm tiết kiệm chi phí, bất chấp gây hủy hoại môi trường.”

Sau hơn bốn năm hoạt động, hiện bãi xỉ than của Nhiệt Điện Vĩnh Tân đã cao hàng chục mét, hàng chục triệu tấn tro xỉ than chôn lấp sơ sài. Vị trí bãi xỉ than lại chỉ cách quốc lộ 1 chừng cây số và rất gần khu dân cư.

Bằng mắt thường không khó để quan sát khói bao trùm cả một khu vực rộng lớn, bụi mù đặc kín cả bầu trời. Khói thải từ nhiệt điện than có thể phát tán hàng trăm cây số, tạo bụi mịn.

Người dân sống ở khu vực cạnh Nhiệt Điện Vĩnh Tân cho biết dù luôn đóng kín cửa, mỗi ngày phải lau chùi, quét dọn nhà cửa nhiều lần mà vẫn không thể hết bụi.

Chưa hết, do bụi bám dày đặc trên mái tôn khiến nguồn nước mưa tại đây luôn đục ngầu nên người dân không sử dụng được. Trong khi đó hồi năm 2017, sau khi xét nghiệm, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận đã có khuyến cáo người dân ở gần khu vực bãi xỉ của Nhà Máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 2 “không nên dùng nguồn nước ngầm để sinh hoạt.”

Bãi xỉ than của Trung Tâm Nhiệt Điện Vĩnh Tân cao như núi, hàng chục triệu tấn tro xỉ than chôn lấp sơ sài. (Hình: Zing)

Ngoài việc ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước biển cũng đáng báo động. Ông Nguyễn Xá (38 tuổi, ở xã Vĩnh Tân), ngư dân hành nghề lặn biển, cho biết tại khu vực miệng xả nước làm mát của Nhà Máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân 4 “xuất hiện tình trạng nước đục ngầu, trắng như nước cơm, rất nóng và ngứa. Tàu bè đi qua khu vực này rất khó khăn do dòng nước đổ thẳng ra biển rất mạnh.”

Ông Xá cho biết thêm từ khi dự án Điện Lực Vĩnh Tân hoạt động, khu vực bờ biển cạnh các nhà máy “xuất hiện tình trạng bồi lắng lớp bùn dày qua đầu gối, khiến lượng cá tôm gần bờ ngày một ít.” Nhiều ngư dân hành nghề lặn biển cho biết họ phải đi lặn hoặc đánh bắt xa bờ rất khó khăn, thậm chí nhiều người phải bỏ đi xứ khác để mưu sinh.

Trước đó hồi Tháng Sáu, 2018, nhiều người nuôi cá lồng trên vùng biển Vĩnh Tân, cách dự án Điện Lực Vĩnh Tân khoảng một cây số cho biết “có hiện tượng cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.”

Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Các Nhà Khoa Học Quan Ngại Hoa Kỳ, một nhà máy điện than mỗi năm trung bình xả ra môi trường nhiều loại khí độc hại, bao gồm: 14,100 tấn lưu huỳnh Dioxit (SO2), 10,300 tấn chất Oxy Hóa (NO), 500 tấn hạt Particulate Matter (PM), 77 kg thủy ngân… Chất SO2 sẽ tạo ra hạt axít trong không khí, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của trường Đại Học Harvard (Hoa Kỳ), dự báo số ca chết do ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ tăng khoảng từ 5,000 người năm 2011 lên gần 20,000 người vào năm 2030. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT