Thursday, March 28, 2024

Số giáo dân tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm

ROMA (NV) –  ‘Số lượng giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam không thay đổi suốt 43 năm qua kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 với 7 triệu giáo dân.’

Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh của giáo phận Huế, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã trình bày như thế trong bài diễn từ đại diện toàn thể 33 tổng giám mục và giám mục trong Hội đồng Giám Mục của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam triều kiến Đức Giáo hoàng Francis hôm Thứ Hai, 5 Tháng Ba 2018 tại Vatican.

Các tổng giám mục và giám mục Việt Nam đã đi hành hương Ad Limina từ cuối Tháng Hai, từ Pháp sang Roma để triều yết Đức Giáo Hoàng Francis và trình bày về tình trạng của giáo hội Công giáo Việt Nam. Trang mạng của Hội đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) tường thuật tóm tắt chuyến đi từng ngày của cuộc hành hương.

“Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục tại chức hôm nay đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước”. Bản tin của HĐGMVN thuật lại lời trình bày với Đức Giáo Hoàng của Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh trong cuộc tiếp kiến hôm Thứ Hai.

Trang mạng HĐGMVN thuật lời Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh nói rằng: “Giáo Hội Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, thêm một chân phước tử đạo Anrê Phú Yên mà đúng ngày 5 Tháng Ba hôm nay mừng kính ngài. Đức cha chủ tịch cũng ngỏ ý mong đợi một ngày Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đất nước và Giáo Hội Việt Nam.”

Một số vị Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm từng ngỏ ý muốn đến thăm Việt Nam nhưng các cuộc dàn xếp không thành. Sau năm 1975, các chủng viện đào tạo tu sĩ Công Giáo tại Việt Nam đã bị nhà cầm quyền ép đóng cửa, chủng sinh phải trở về nhà nhưng nhiều người vẫn tiếp tục “tu chui.” Có những vị được truyền chức linh mục trong bí mật để tránh sự khủng bố của nhà cầm quyền.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam triều kiến Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Hai, 5 Tháng Ba, 2018. (Hình: HĐGMVN)

Linh Mục Phan Văn Lợi hiện đang bị nhà cầm quyền quản thúc và thường xuyên bị khủng bố tại Huế là một trong những vị được cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận truyền chức “chui” vào năm 1981. Sau nhiều cuộc điều đình, các chủng viện mới được mở cửa lại từ từ với những giới hạn do nhà cầm quyền đòi hỏi.

Hà Nội đến nay vẫn không chấp nhận để Tòa Thánh Roma đặt một sứ thần thường trú tại Việt Nam. Rất nhiều tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị nhà cầm quyền làm giấy “mượn” nhưng cướp luôn. Khi bị đòi thì chây ỳ. Những vụ cướp tài sản giáo hội nổi tiếng như Tòa Khâm Sứ, đất Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, đan viện Thiên An ở Huế cùng nhiều nơi khác.

Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã phải từ chức tổng giám mục giáo phận Hà Nội hồi năm 2010 trước áp lực của nhà cầm quyền CSVN với Tòa Thánh Roma khi giáo dân chống đối quyết liệt việc cướp đoạt trụ sở Tòa Khâm Sứ. Không nuốt nổi đất và trụ sở Tòa Khâm Sứ nhưng nhà cầm quyền cũng không trả lại, biến nơi này thành công viên.

Trước các vụ việc này, Tòa Thánh Roma luôn luôn giữ sự im lặng để các giáo phận địa phương đối phó với nhà cầm quyền.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới nên vẫn tồn tại trước các áp lực của nhà cầm quyền về mọi mặt. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng từng chống lại các luật lệ và pháp lệnh về tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN khi nêu ra tính chất độc tài, phản lại các quyền tự do căn bản của con người.

Các bản tin của HĐGMVN về chuyến hành hương của 33 tổng giám mục, giám mục chỉ tường thuật rất tổng quát về chuyến đi hành hương. Người ta không được biết gì hơn bên ngoài các điều thấy trên mạng qua lời tường thuật vắn tắt khi nhiều vị giám mục “chia sẻ với Đức Thánh Cha về khó khăn mục vụ và truyền giáo trong tình trạng di dân phổ biến ngày nay tại Việt Nam.” (TN)

Cả làng ở Đồng Nai sản xuất đông dược từ khoai mì ủ hóa chất

MỚI CẬP NHẬT