Thursday, April 25, 2024

Giới chức CSVN nói lũ lụt miền Trung ‘là do biến đổi khí hậu, không phải do phá rừng’

QUẢNG TRỊ, Việt Nam (NV) – Lũ lụt ở miền Trung những ngày qua được dư luận cho rằng có một phần nguyên nhân là do phá rừng… nhưng ông tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp nói rằng do phá rừng là không đúng, mà do biến đổi khí hậu.

Hôm 21 Tháng Mười, báo Dân Việt dẫn lời ông Nguyễn Quốc Trị, tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN: “Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng. Chính biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lũ ở miền Trung là một ví dụ điển hình. Thực tế, mấy vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị đều là những nơi phát triển rừng rất tốt, độ che phủ lớn. Tuy nhiên do mưa quá nhiều, địa hình dốc lớn nên mới gây vết sạt trượt.”

Một đoạn quốc lộ 12A qua xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, bị sụt lún, nứt gãy do sạt lở đất. (Hình: Zing)

Phát ngôn của ông Trị được đưa ra trong bối cảnh công luận đang lên án tình trạng phá rừng, xây hàng loạt thủy điện là nguyên nhân chính gây bão lụt chết người ở miền Trung.

Ông Trị còn mạnh miệng khẳng định rằng “độ che phủ rừng ở các tỉnh miền Trung rất tốt, cao hơn so với bình quân chung cả nước, bởi vì nếu không có rừng, lũ lụt sẽ còn nặng nề hơn nhiều.”

Những lời biện hộ của người đứng đầu Tổng Cục Lâm Nghiệp được ghi nhận hoàn toàn tương phản với bài trên trang web VTV của Đài Truyền Hình Việt Nam hôm 17 Tháng Mười: “…Một nguyên nhân khiến nguy cơ sạt lở đất ngày càng tăng chính là những tác động của con người như chặt phá rừng làm nương rẫy, nhà cửa, đường sá, thủy điện, làm mất đi thảm thực vật che phủ. Hình ảnh của khu vực Rào Trăng trước và sau năm 2017 cho thấy, sau năm 2017, rừng tại đây đã không còn, lộ ra toàn đất trống. Khả năng chống chịu xói mòn của đất giảm đi đáng kể.”

Trước đó, tờ Người Lao Động hôm 16 Tháng Mười dẫn nguồn Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (GreenID) cho hay, ở Việt Nam bình quân mất từ 10 đến 30 hécta rừng để tạo ra 1 MW điện. Cả nước có hơn 385 nhà máy thủy điện đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 18,564 MW, “tức là rừng bị phá biết bao nhiêu!”

“Bên cạnh thiên tai còn có nhân tai. Bị ‘thập diện mai phục,’ ai chống đỡ cho nổi? Nhân tai – chỉ đích danh là quy hoạch thủy điện dày đặc và nạn phá rừng,” tờ báo viết.

Ông Nguyễn Quốc Trị, tổng cục trưởng Tổng Cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN. (Hình: Dân Việt)

Liên quan thực trạng này, ông Vũ Thanh Ca, khoa Môi Trường, Đại Học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, bình luận trên trang cá nhân: “…Có người nói rằng xây đập thủy điện sẽ gây phá rừng. Nếu quản lý tốt thì phần diện tích rừng bị phá chỉ là lòng hồ và một phần rừng bị phá để làm đường sá và các công trình phục vụ thủy điện. Phần rừng thứ hai nói chung rất nhỏ so với phần rừng ở lòng hồ.”

“Do những tác động môi trường của thủy điện, tôi không ủng hộ thủy điện và nếu được chọn thì tôi sẽ theo làm theo cách của Mỹ, phá thủy điện cũ đi, không xây thêm thủy điện mới mà chỉ phát triển nhiệt điện và các dạng năng lượng khác. Tuy nhiên, đặt điều đó ra với Việt Nam rất khó khăn. Phát triển kinh tế mà giảm tiêu thụ điện là một chuyện chỉ có trong tưởng tượng,” theo Facebook Ca Vu Thanh. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT