Friday, April 19, 2024

Hàng trăm người ở Việt Nam tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa

Nhật Bình/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Dù nhà cầm quyền CSVN không tổ chức và cũng không cho phép tưởng niệm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc tấn công và cướp mất cách đây đúng 43 năm, nhưng tại nhiều nơi ở Việt Nam, hàng trăm người dân đã tổ chức tưởng niệm sự kiện này.

Cách đây đúng 43 năm, ngày 19 Tháng Giêng 1974, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã mất vào tay Trung Cộng, kèm theo đó thân xác 74 sĩ quan và quân nhân Hải quân Việt Nam Cộng Hòa mãi mãi nằm lại vùng biển Hoàng Sa trong trận hải chiến.

Hạm trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, Hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà và hạm phó Nguyễn Thành Trí đều tử trận cùng đồng đội.

  • Hà Nội: Buổi tưởng niệm không trọn vẹn

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền cho báo Người Việt được biết: ‘ Chín giờ sáng nay có khoảng hơn 200 người dân đã tề tựu về chân tượng đài Lý Thái Tổ, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Họ mang hoa đến thắp nhang dưới chân tượng đài.’

TuongNiem-HoangSa-02
Người dân mang khẩu hiệu với thông điệp thẳng thắng tham dự buổi lể ở HN (Bạch Hồng Quyền)

“Đặc biệt năm này có rất nhiều băng rôn biểu ngữ, thể hiện chính kiến rõ ràng như ‘Chúng tôi quyết tử để đòi Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam’; ‘Đồng bào Việt Nam hảy can đảm và đoàn kết đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam’; Việt Nam hãy kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế’; ‘16 chữ vàng và 4 tốt quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là giả dối và viển vông’; Phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988…”.

Mở đầu buổi lễ, bản nhạc “Hồn Tử Sĩ” được vang lên bởi tiếng đàn của người nghệ sỹ đường phố Tạ Trí Hải trong từng nén nhang của người dân thắp viếng. Dưới bức tượng của vua Lý Thái Tổ, những người dân miền Bắc, nơi vẫn bị chính quyền CSVN tuyên truyền chế độ Việt Nam Cộng Hòa là “Ngụy”, mà nay họ đứng thành kính cúi đầu tưởng nhớ những người lính VNCH đã ngã xuống vì bảo vệ Hoàng Sa.

Nói về buổi lễ, anh Quyền cho biết: “Tôi cho rằng chưa có năm nào mà khẩu khí của người Hà Nội rõ ràng như thế. Họ thẳng tay viết những băng rôn mang thông diệp rõ ràng chứ không còn e ngại trước chính quyền như trước kia”.

“Năm ngoái, vì không thể bưng bít được thông tin, phía chính quyền đã huy động lực lượng ‘dư luận viên’ tới hát hò, giật băng rôn gây rối. Tuy nhiên năm nay lực lượng này đã không xuất hiện, nhưng bù lại có rất nhiều nhân viên an ninh mật vụ, thường phục bao vây bên ngoài, không cho nhiều người dân tìm hiểu để hòa cùng mọi người.’

“Cuối buổi lễ họ đã bắt bớ một số người mà họ cho là ‘quá khích’, trong đó có đánh đập anh Nguyễn Văn Điển, sau đó tất cả khoảng 15 người họ đưa lên xe buýt và về đồn công an giam lỏng. Tuy nhiên tất cả đã được thả hết vào chiều cùng ngày. Ngoài ra thì có nhiều nhà hoạt động bị ngăn chặn tại nhà.’

Nhà báo tự do JB nguyễn Hữu Vinh cho hay trên facebook là ông cũng bị bắt và bị đánh đập khi bị lôi về trụ sở công an.

  • Sài Gòn: Chính quyền nhường bộ

Bất chấp lời đe dọa từ phía chính quyền, khoảng 100 người dân Sài Gòn đã tụ tập dưới bức tượng Trần Hưng Đạo, trong khuôn viên công viên Mê Linh, đối diện bến Bạch Đằng sông Sài Gòn. Họ mang theo vòng hoa, băng rôn khẩu hiểu và nhang để thắp dưới chân tượng Đức Thánh Trần.

TuongNiem-HoangSa-04
Buổi tưởng niệm ở Sài Gòn. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Sau một phút mặc niệm để tưởng nhớ 74 vong linh những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hi sinh vì bảo vệ Hoàng Sa nhưng bất thành, là những tiếng hô vang “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam’; Đả đảo Trung Quốc xâm lược… được vang lên mạnh mẽ.

Có mặt tại buổi lễ, nghệ sỹ Kim Chi cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa vao tay Trung cộng ở tại Sài Gòn. Những lần trước tôi đều tham dự ở Hà Nội. So với Hà Nội thì lượng người tham dự ở Sài Gòn ít hơn. Có lẽ là rất nhiều người bị ngăn chặn ở nhà nên không thể tham dự”.

“Là người Việt Nam yêu nước, chúng ta không thể quên ơn những chiến sĩ hải quân VNCH đã anh dũng hi sinh trong trận chiến chống lại Trung Cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa. Ngày 19.1.1974 mãi mãi đã đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Tôi ước mong toàn dân cả nước hãy nhớ đến ngày này để nhắc nhở chúng ta kẻ nào mới có dã tâm xâm chiếm cướp lấy Việt Nam ta”.

“Tổ quốc của chúng ta đang rơi vào tình trạng nguy hiểm mất nước từng ngày từng giờ. Hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ dọc theo biên giới phía Bắc đã bị cắt lìa và các bản đồ vẫn bị giấu kín cho đến ngày nay. Ý chí đòi lại các đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa và bảo vệ hải phận Việt Nam đều đã tan biến, ngay cả biện pháp đưa hồ sơ xâm lược ra tòa án quốc tế cũng đã bị bác bỏ”.

Nghệ sĩ Kim Chi bày tỏ thêm: “Nguy hiểm hơn thế nữa, nhiều khu vực biệt lập, trú đóng lâu dài, của người Trung Quốc đã được cài cắm khắp những vùng hiểm yếu của Việt Nam mà ngay cả chính quyền địa phương cũng không được tiếp cận. Chính trong tình trạng đó của đất nước mà việc tưởng niệm và vinh danh tinh thần hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược tại Hoàng Sa (1974), tại Biên giới phía Bắc (1979 – 1989), và tại Trường Sa (1988) trở nên vô cùng bức thiết. Vì chỉ khi nào dân tộc chúng ta cùng nhận ra tai họa mất nước đang diễn ra từng ngày từng giờ, chỉ khi nào dân tộc chúng ta cùng quyết tâm làm sống lại tinh thần Hoàng Sa – Biên Giới – Trường Sa, thì Tổ Quốc Việt Nam mới mong còn có thể tồn tại”.
Ghi nhận bên lề buổi lể thì rất nhiều nhân viên An Ninh, công an, cảnh sát giao thông, mật vụ đứng tạo vòng vây bên ngoài, nhưng họ không can thiệp vào buổi lễ. Năm nay cũng không còn cảnh giật vòng hoa hay đưa xe bồn tưới nước công viên như năm ngoái.

Mặc dù trước đó vài ngày, đã có rất nhiều nhân viên an ninh đến chốt chặn các nhà hoạt động có tên tuổi như Lê Công Định, bác sỹ Nguyễn Đan Quế, nhà báo Phạm Chí Dũng, Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Hoàng Dũng, chị Sương Quỳnh… khiến họ không thể tới tham dự buổi lễ.

Đông đảo người dân Hà Nội thắp hương tưởng nhớ 74 tử sĩ VNCH (Hình: Bạch Hồng Quyền)
Đông đảo người dân Hà Nội thắp hương tưởng nhớ 74 tử sĩ VNCH (Hình: Bạch Hồng Quyền)
  • Sôi nổi ở Vũng Tàu và Nghệ An

Trước đó vài ngày, một cuộc tưởng niệm 74 chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh ở Hoàng Sa đã được một số anh em tại Vũng Tàu tổ chức chiều 16 tháng Giêng. Đây là một trong nhiều hoạt động thể hiện lòng yêu nước và cổ vũ cho nhân quyền mà nhóm tranh đấu tại Vũng Tàu thực hiện thường xuyên trong một vài năm trở lại đây.

Anh Vũ Đình Hải, một người tham gia buổi tưởng niệm cho biết: “Chúng tôi gồm hơn mười người, trong trang phục là chiếc áo in hình bản đồ Việt Nam với các dòng chữ: “No-U. Xóa đường lưỡi bò, bảo vệ biển đảo Việt Nam. Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam đã mang vòng hoa và băng rôn đi trên chiếc tàu nhỏ lênh đênh trên biển để làm lễ”..

“Vòng hoa mang dòng chữ “Tưởng niệm 74 anh hùng tử sĩ đã ngã xuống vì tổ quốc” được chúng tôi thả xuống biển với sự trân kính, biết ơn. Khẩu hiệu ‘Hoàng Sa-Trường Sa là máu thịt của con dân Việt Nam’ được viết bằng chữ màu đỏ trên nền vàng của tấm banner khổ lớn”.

Từ Nghệ An, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho chúng tôi biết: “Hôm nay, khoảng 20 bạn trẻ chúng tôi tất cả đang sinh sống tại Nghệ An đã mang vòng hoa và băng rôn mang khẩu hiệu ‘Nhân dân không bao giờ quên 74 tử sĩ VNCH đã ngã xuống vì Hoàng Sa”.

“Trên đường chúng tôi đưa ra biển để làm lễ tưởng niệm thì gặp lực lượng An Ninh ngăn cản, tuy nhiên sau một hồi giằng co, họ cũng phải cho chúng tôi tiếp tục ra biển để làm lễ tưởng niệm. Đây là một thành công của chúng tôi, vì chính quyền đã không còn dám giật băng rôn hay xé nát vòng hoa nữa”.

Đánh giá về tinh thần của các bạn trẻ ở Nghệ An, anh Chu Mạnh Sơn nhận xét: “Tôi rất vui vì càng ngày càng có rất nhiều bạn trẻ nhận ra được thực trang của đất nước, và họ bắt đầu sống có trách nhiệm với xã hội, với các hoạt động mang tính phát triển cộng đồng và uống nước nhớ nguồn như buổi tưởng niệm Hoàng Sa hôm nay”.

Dân Sài Gòn cay mắt vì sương mù ô nhiễm

MỚI CẬP NHẬT