Thursday, April 25, 2024

Hội thảo về ‘Bãi Tư Chính,’ báo chí CSVN hầu hết ‘né tránh’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một cuộc hội thảo về “Bãi Tư Chính” được tổ chức ở Hà Nội hôm Chủ Nhật vừa qua nhưng chỉ thấy được thông tin trên một số ít tờ báo trong khi CSVN có hàng trăm cơ quan báo đài tuyên truyền.

Giấy mời của “Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật và Phát Triển” của nhà cầm quyền CSVN, viết rằng buổi tọa đàm có mục đích “hướng tới những thảo luận, trao đổi về thực trạng tình hình tại khu vực với những giải pháp hòa bình xử lý xung đột dưới góc độ luật pháp quốc tế, địa chính trị, an ninh khu vực.”

Địa điểm của cuộc hội thảo là “khách sạn Công Đoàn, 14 Trần Bình Trọng, Hà Nội. Thời gian: 8 giờ 30 sáng ngày Chủ Nhật, 6 Tháng Mười, 2019. Báo chí chính thống đa số im lặng, một nhóm thông tin độc lập là nhóm truyền hình Chấn Hưng TV (CHTV) thì bị công an cưỡng ép lên xe đưa về trụ sở thẩm vấn và lấy hết máy móc, dụng cụ, giấy tờ xe.”

Tuy nhiên, người ta thấy ông Phạm Viết Đào, một nhà báo từng bị bỏ tù hơn 5 năm trước vì bị vu cho tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” phổ biến trên YouTube lời phát biểu của một số người như nhà giáo Chu Hảo, TS Nguyễn Xuân Diện, cựu Tướng Lê Văn Cương, cựu Tướng Lê Mã Lương và gần như trọn bài tham luận của ông cựu đại sứ tại Brunei Nguyễn Trường Giang (hiện là đại biểu Quốc Hội trong Ủy Ban Luật Pháp).

Theo ông Phạm Viết Đào cho biết, cuộc hội thảo có sự tham dự của “khoảng 200 nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học, luật học và đông đảo các nhà báo đã tới dự.”

Ông kể “nhiều tham luận nảy lửa đã được phát tại tọa đàm…” nhưng không thấy được nhiều trên các mặt báo.

Tính đến tối 7 Tháng Mười, 2019 (giờ Việt Nam), người ta thấy có các báo như Thanh Niên, Pháp Luật ở Sài Gòn và Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) có bài tường thuật.

Tờ Pháp Luật với tựa đề “Chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó Trung Quốc ở biển Đông” thuật lại tóm tắt nội dung bài tham luận của ông Nguyễn Trường Giang và lời phát biểu của ông Hoàng Ngọc Giao, một luật sư.

Ông Giao được tờ báo thuật lại kêu gọi “cần phải đưa hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở biển Đông của Trung Quốc ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.” Nhà giáo Chu Hảo (từng bị khai trừ đảng) cũng hô hào “khởi kiện Trung Quốc bây giờ là đúng thời điểm.”

Đài VOV viết bản tin trên mạng thuật ý kiến của ông Nguyễn Trường Giang, luật gia Hoàng Việt và Tướng Lê Văn Cương. Không hề thấy đề cập gì, đưa tin gì về thực trạng đã và đang xảy ra tại khu vực Bãi Tư Chính. Điều này cho hiểu cách thức thông tin của báo đài chính thống phải theo lệnh từ trên, tránh né những gì phải cấm kỵ.

Riêng tờ Thanh Niên đã có lời lẽ mạnh mẽ khi đặt tựa bài viết là “Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông” trên báo điện tử và đăng bài trên trang nhất của tờ báo in.

Báo Thanh Niên viết: “Theo các chuyên gia, trước những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, điều Việt Nam cần làm là khởi kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.”

Buổi hội thảo được dự trù tổ chức ngày 22 Tháng Chín nhưng sau đó bị hoãn lại đến sau ngày 1 Tháng Mười với lý do được công bố chính thức là: “Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật và Phát Triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5 Tháng Mười, 2019.”

Dư luận cho rằng lý do Hà Nội tế nhị không muốn thấy có những lời chỉ trích Trung Quốc trước ngày Bắc Kinh tổ chức Quốc Khánh 1-10, đụng chạm tới “16 chữ vàng,” gây khó khăn thêm cho “đồng chí” phương Nam.

Lực lượng trên biển của Việt Nam đã phải đối đầu không cân xứng với lực lượng Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính suốt từ ba tháng qua.

Giữa tuần trước, người ta thấy có tin từ nhóm Thông Tin Biển Đông South China Sea News trên mạng Twitter là “Các tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu 37111 và 31302 đã có những hành động nguy hiểm, chận đường đi của chiếc tàu tiếp liệu Crest Argus 5 có nhiệm vụ tiếp tế cho giàn khoan Hakuryu-5 đang hoạt động tại lô 6-1.”

Theo nhóm thông tin vừa kể, “Trung Quốc đang cố ngăn chặn hoạt động dầu khí của Việt Nam tại lô 6-1 bằng cách chặn tàu tiếp liệu của Việt Nam. Đây là sự leo thang nguy hiểm có thể có những hậu quả không thể lường trước.” Báo chí trong nước hoàn toàn im lặng.

Các lời phản đối ngoại giao của Hà Nội không hề có tác dụng và khi “bật đèn xanh” cho tổ chức hội thảo lại không để báo chí trong nước tường thuật rộng rãi, hay rầm rộ.

Trong một diễn biến khác, sau nhiều tháng không đề cập đến hai chữ “Biển Đông,” ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chủ tịch nước CSVN tại “Hội Nghị Trung Ương lần thứ 11” của đảng CSVN vào sáng 7 Tháng Mười tại Hà Nội đã lên tiếng “đề nghị trung ương phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông, chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.”

Hành động của ông Nguyễn Phú Trọng được dư luận cho rằng, tình hình Biển Đông, đặc biệt là khu vực Bãi Tư Chính, nay đã trở nên căng thẳng và nguy hiểm, khiến người đứng đầu chế độ CSVN đã không thể im lặng được nữa. (TN-KN)

MỚI CẬP NHẬT