Friday, April 19, 2024

Khai thác bauxite ngày càng thấy vô ích

ĐẮK NÔNG, Việt Nam (NV) – Năm nay, đóng góp của nhà máy Alumin Nhân Cơ cho ngân sách của tỉnh Đắk Nông chỉ chừng 150 tỷ đồng (hơn $6.59 triệu), bằng một phần tư số dự trù (437 tỷ đồng, hơn $19.22 triệu).

Theo báo Đầu Tư, chính quyền tỉnh Đắk Nông hết sức thất vọng vì số thu ngân sách kém xa so với dự trù ban đầu của các dự án alumin-nhôm. Cho nên tỉnh Đắk Nông xin được hưởng hết 100% thuế mà nhà máy Alumin Nhân Cơ nộp năm nay.

Vì nhà máy chỉ có thể đóng góp ít cho ngân sách nên năm nay ngân khố quốc gia sẽ chỉ thu được chừng 78 tỷ đồng. Vì được hưởng 48% đóng góp của nhà máy cho ngân sách, chính quyền tỉnh Đắk Nông sẽ nhận khoảng 72 tỷ đồng.

Cả giới lãnh đạo đảng CSVN lẫn chính quyền Việt Nam cùng im lặng trước số sản xuất xuống thấp của kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Khi việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên bắt đầu, ngoài các chuyên gia, trí thức, báo giới, một số tôn giáo, dân chúng còn nhiều cựu viên chức cao cấp (Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thị Bình…) đã cùng lên tiếng ngăn cản.

Nhưng dựa trên kết quả khảo sát năm 2001 của giới địa chất Liên Xô – xác định trữ lượng bauxite ở khu vực Tây Nguyên khoảng 8 tỷ tấn, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đó là “chủ trương lớn” của đảng.

Sau đó, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa 10 lại xác nhận khai thác bauxite ở Tây Nguyên là “chủ trương nhất quán” của giới lãnh đạo đảng.

Rất nhiều phân tích cặn kẽ cho thấy, nếu thực hiện kế hoạch này, Việt Nam sẽ chìm trong nợ, môi trường-hệ sinh thái ở khu vực Tây Nguyên sẽ bị hủy diệt. Tây Nguyên sẽ thiếu cả nước lẫn điện và hàng tỷ tấn bùn chứa chất độc do khai thác bauxite thải ra sẽ là một quả bom bùn lơ lửng trên đầu miền Nam. Hơn nữa, các nhà thầu còn mở cửa cho công nhân Trung Quốc tràn vào, cư trú tại một trong những khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng…

Bất chấp các khuyến cáo và phân tích thiệt hơn, cuối năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là thủ tướng, vẫn phê duyệt kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư trong hai năm từ 2007 đến 2029 là $3.1 tỷ.

Bây giờ, tuy hậu quả đã nhãn tiền nhưng không có cá nhân nào nhận trách nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm.

Sau khi ngốn hết 32,000 tỷ đồng, nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Đồng bắt đầu hoạt động vào Tháng Ba, 2013, và đến nay lỗ khoảng 3,700 tỷ đồng.

Còn hiệu quả hoạt động của nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông thì như vừa kể. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng với khả năng đóng góp cho ngân sách chỉ bằng 1/4 mức dự trù, người ta tin nhà máy này cũng lỗ nặng.

Có lẽ cũng cần nhắc lại là hồi Tháng Ba năm ngoái, Bộ Công Thương từng đề nghị hỗ trợ thêm cho kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên khoảng 4,900 tỷ đồng trong 10 năm từ 2016 đến 2025, song theo một số chuyên gia, nếu tính cả hỗ trợ về giá điện thì khoản hỗ trợ phải tới $1.2 tỷ!

Một yếu tố khác cũng cần nhắc là từ Tháng Mười, 2014, đến nay, bùn đỏ từ hai nhà máy alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ đã tràn ra ngoài vài lần. Ông Nguyễn Văn Ban, cựu trưởng ban Nhôm-Titan của Tập Đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam, nhận định đó là “hệ quả của công nghệ Trung Quốc.” (G.Đ)

Tống tình, hiệu phó tung clip sex với cô giáo lên mạng ở Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT