Thursday, March 28, 2024

Khoảng 1.3 triệu người ‘tháo chạy’ từ thành phố về quê

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu Tháng Mười, khi Sài Gòn và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.

Báo VNExpress dẫn tin từ Tổng Cục Thống Kê công bố sáng 12 Tháng Mười, cho biết tính từ Tháng Bảy đến 15 Tháng Chín, có khoảng 1.3 triệu người lao động đã về quê “tránh dịch.”

Cả triệu người lao động nghèo từ các tỉnh phía Nam trở về quê để được “sống.” (Hình: Tây Nguyên/Zing)

Trong số người trên, khoảng 324,000 người từ Hà Nội về, 292,000 người từ Sài Gòn về, và 450,000 người từ các tỉnh, thành khác ở phía Nam trở về quê.

Thống kê sơ bộ cũng cho thấy tỉnh Nghệ An đã đón khoảng 87,000 người, Hà Tĩnh 16,000 người, Thừa Thiên Huế 40,000 người và Quảng Nam hơn 6,500 người. Các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai… cũng đã đón hàng ngàn người trở về từ hôm 5 Tháng Mười đến nay.

Ông Phạm Hoài Nam, vụ trưởng Vụ Thống Kê Dân Số và Lao Động, nhận định: “Khá nan giải khi thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn, bởi tâm lý lưỡng lự, e ngại của người dân.”

Theo ông Nam, nguyên do là chính sách phòng chống dịch của nhiều tỉnh, thành đang rất khác nhau và người lao động không thể lường được mức độ ổn định của các biện pháp này.

Tương tự, các doanh nghiệp cũng mong chờ chính quyền có chính sách nhất quán, không thể liên tục nối dài “Chỉ Thị 16.”

Dòng người lao động từ các tỉnh phía Nam đổ về quê đã diễn ra từ đầu Tháng Bảy và ồ ạt hơn vào đầu Tháng Mười. “Về quê đã rồi tính tiếp.” Câu nói mà nhiều công nhân nghèo giãi bày về quyết định rời bỏ Sài Gòn để trở lại quê hương.

Thực tế, nhiều người quyết định về quê không phải vì sợ dịch, muốn tránh dịch và cũng không phải vì bị kích động, chạy theo số đông mà đơn giản vì họ trở về để được “sống” và tiếp tục hy vọng.

Báo VNExpress dẫn lời chủ một dãy nhà trọ ở Sài Gòn kể: “Tôi có hơn 70 phòng trọ đang cho công nhân các khu công nghiệp thuê. Sau những cuộc nói chuyện, tôi nhận ra một điều rằng hầu hết những người chọn về quê đợt này đều có chung một điểm, đó là họ không còn khả năng trụ lại thành phố thêm nữa. Khi gọi điện báo trả phòng với tôi, họ đều nói rằng ‘về quê tuy chẳng còn gì nhưng ít nhất dưới đó có người thân hỗ trợ, phải sống cái đã rồi tính tiếp.’”

Trên đường hồi hương, nhiều người dân phải trải áo mưa nằm bên vệ đường nghỉ ngơi sau quãng đường đi quá dài. (Hình: Việt Linh/Zing)

Giới hữu trách tuyên truyền trên báo đài đề cập đến những khả năng và cơ hội, những rủi ro và thách thức của lựa chọn đi hay ở. Song, không nghĩ rằng hơn bốn tháng bị “giam lỏng,” người lao động nghèo không được đi làm, không có nguồn thu nhập nào khác để sinh nhai.

Trong khi đó tiền trọ vẫn phải đóng đủ, cơm vẫn phải ăn, chưa kể nhà có trẻ nhỏ còn phải lo lắng trăm bề… Những áp lực chất chồng mà họ phải gồng gánh mỗi ngày dường như đã đạt đến giới hạn. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT