Friday, April 19, 2024

Khủng hoảng nhân sự tại Việt Nam không chỉ có y tế, giáo dục

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Lương chết đói, áp lực công việc nặng nề, công chức cán bộ trong guồng máy cai trị của Việt Nam theo nhau bỏ chạy khắp mọi ngành, mọi nơi.

“Một số anh em xin nghỉ việc nhiều. Kể cả vụ phó, trưởng phòng cũng xin nghỉ việc. Tôi phải gặp và động viên suốt,” ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Tài Chính Việt Nam, được báo Thanh Niên ngày Thứ Hai, 19 Tháng Chín, dẫn lời nhìn nhận về tình trạng nhân sự của bộ này nghỉ việc.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính ở thành phố Thủ Đức, Sài Gòn. (Hình: VNExpress)

Tờ Thanh Niên kể tiếp lời ông Phớc thuật lại trường hợp một nữ nhân viên có hai bằng đại học, bằng thạc sĩ, trưởng phòng tại Cục Quản Lý Giá của Bộ Tài Chính xin nghỉ việc mà ông cố gắng thuyết phục ở lại. Dù ông Phớc đề nghị chuyển cô ta “sang bộ phận khác ít rủi ro hơn, nhàn hơn” nhưng cô ta nhất định ra đi.

Tháng trước, cục trưởng và hai cục phó Cục Quản Lý Qiá đã bị “kỷ luật” vì dính líu trong đại án lừa dân cả nước “kit xét nghiệm” COVID-19 mà hàng chục quan chức nhiều bộ ngành đã bị bắt giam. Riêng ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản Lý Giá, bị “cách hết các chức vụ trong đảng,” một dấu hiệu có thể dẫn đến bắt giam khi cuộc điều tra tham nhũng vẫn còn đang tiếp diễn.

Không thấy ông Phớc đưa ra con số viên chức Bộ Tài Chính xin nghỉ việc, chỉ thấy ông ta nhìn nhận “bộ máy, nhân sự của Bộ Tài Chính hiện rất khó khăn.” Như vậy, người ta có thể hiểu hàng chục hay hàng trăm cán bộ đã bỏ chạy chứ không ít.

Bộ Tài Chính là bộ phận “tay hòm chìa khóa” của chế độ. Suốt nhiều năm qua, người ta hiểu rằng muốn chen chân vào Tổng Cục Thuế, hoặc Tổng Cục Hải Quan không phải dễ. Trên mạng xã hội từng thấy có những tiết lộ số tiền phải đút lót để được làm viên cho hai cơ quan vừa kể phải bằng rất nhiều đô la hay vàng khối. Viên chức hai cơ quan này nổi tiếng là “hái ra tiền.”

Lời xác nhận của ông Phớc chỉ vài ngày sau khi quan chức đứng đầu dầu khí quốc doanh cho hay rất nhiều chuyên viên trong ngành dầu khí bỏ việc lương thấp, chạy qua làm ở khu vực tư nhân lương tiền “đãi ngộ” tương xứng với khả năng.

Báo chí tại Việt Nam mấy tháng gần đây cho hay hàng ngàn viên chức y tế và giáo dục xin nghỉ làm vì không thể chịu đựng nổi đồng lương không đủ sống.

Ông Hoàng Ngọc Trung, phó tổng giám đốc Thăm Dò và Khai Thác Dầu Khí (PVEP), được thuật lời cho hay từ đầu năm đến nay “nhiều người có chuyên môn cao của đơn vị chuyển sang nơi khác, bởi vì họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn, trong khi doanh nghiệp nhà nước như PVEP phải tuân thủ về chế độ ưu đãi, đãi ngộ theo quy định.”

Hậu quả, theo ông này, “người thực sự muốn giữ thì họ ra đi, không giữ được, còn người chúng tôi không muốn giữ thì họ không đi và chúng tôi không có cách nào cho người ta đi.”

Nhiều báo tại Việt Nam ngày Thứ Bảy, 13 Tháng Tám, dẫn thuật văn thư khẩn của chính quyền thành phố ở Sài Gòn gửi trung ương, một ngày trước đó, báo động số lượng rất lớn “cán bộ, công chức, viên chức” xin nghỉ việc lên gần 6,200 người.

Viên chức nhà nước giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Hình: VNExpress)

Ba nguyên nhân được nêu ra gồm đồng tiền lương quá thấp không đủ sống, cơ hội thăng tiến không có, trong khi áp lực công việc lại rất lớn. Các nguyên nhân này “ảnh hưởng niềm tin, động lực gắn bó” với công việc của cán bộ công chức mà nói chung “làm giảm sức hấp dẫn của khu vực công.”

Đầu Tháng Bảy, các báo tại Việt Nam cho hay gần 10,000 bác sĩ y tá tại các bệnh viện công trên cả nước nghỉ làm kể từ đầu năm 2021. Lương không đủ sống, môi trường làm việc nguy hiểm trong khi bị ép làm việc quá sức chịu đựng của con người.

Đồng thời, hàng ngàn giáo viên khắp nơi cũng bỏ việc cũng vì đồng lương không đủ sống. Ngoài giờ dạy học, nhiều người phải chạy xe ôm hay làm thêm những việc khác mới tạm đủ qua ngày. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT