Friday, April 26, 2024

Một ông ở Bạc Liêu từng ở đợ, lập nghĩa trang cho người nghèo

BẠC LIÊU, Việt Nam (NV) – Hơn 10 năm qua, một ông ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu, đã xây hơn 30 căn nhà cho những người nghèo, người vô gia cư và lập luôn nghĩa trang cho họ.

Ông là Phạm Văn Công, còn gọi là Ba Công (65 tuổi, ngụ phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai). Tiếp xúc với báo Thanh Niên, ông kể lúc nhỏ nhà ông rất nghèo. Năm 14 tuổi, ông phải đi ở đợ kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Vì quanh năm ở đợ, hiếm khi được về nhà đắp mộ cho ông bà, theo thời gian, những ngôi mộ đất bị thất lạc khiến ông luôn ray rứt. Từ đó ông ước nguyện khi có tiền sẽ xây dựng một nghĩa trang từ thiện, nhằm giúp đỡ những người nghèo khi qua đời không có nơi chôn cất.

Báo Thanh Niên tường thuật, năm 2007, khi cuộc sống gia đình khấm khá, ông bắt đầu xây nhà cho người nghèo. Chỉ tính riêng tại phường Láng Tròn, đến nay ông Ba Công đã xây trên 30 căn nhà cho họ. Ngoài ra, ông còn bỏ ra khoản tiền lớn để xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, ở những nơi đường sá đi lại khó khăn, nhằm giúp học sinh đến trường thuận tiện, an toàn hơn.

Đến năm 2011, ông Ba Công quyết định mua lại mảnh đất rộng 9,000 mét vuông ở khóm 2, phường Láng Tròn, để lập nghĩa trang từ thiện, với tổng chi phí hơn 1 tỷ đồng. Từ đó đến nay, bất cứ hộ gia đình nghèo khó, vô gia cư nào khi có người thân qua đời không có nơi chôn cất đều được ông giúp.

Đặc biệt, đối với người nghèo khổ, ông Ba Công còn cho tiền mua hòm và vật liệu xây mộ. “Sắp tới, tôi sẽ mua thêm mảnh đất liền kề để mở rộng diện tích nghĩa trang từ thiện, giúp những cảnh đời bất hạnh có nơi an nghỉ đàng hoàng,” ông Ba Công nói.

Ông Khưu Văn Bắc, ngụ phường Láng Tròn, cho biết đầu năm 2018, ba ông mất nhưng không có tiền mua đất chôn. Biết hoàn cảnh khốn khó, ông Ba Công đã đến thăm hỏi, chia buồn và cho một phần đất tại nghĩa trang từ thiện để ông Bắc lo hậu sự cho người cha.

Trong mọi phong trào từ thiện xã hội tại địa phương, ông Công luôn là người tiên phong làm từ thiện. Phần lớn trẻ em, người dân trong xóm đều gọi ông là ông ngoại, là cha… Những việc làm của ông đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hầu lan tỏa trong cộng đồng. (Tr.N)

Video: Quê Nhà Quê Người Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT