Friday, March 29, 2024

10 tổ chức quốc tế thúc CSVN chấm dứt đàn áp nhân quyền

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Mười tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền CSVN chấm dứt đàn áp và thực hiện cam kết quốc tế về nhân quyền.

Mười tổ chức và cá nhân, gồm nhiều tổ chức quốc tế, lo ngại về việc đàn áp leo thang của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới truyền thông độc lập và giới bất đồng chính kiến trước đại hội toàn quốc của Đảng CSVN dự trù đầu năm 2021.

Ân Xá Quốc Tế, International Publishers Association, BảoVệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền, PEN America, Project 88, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, People In Need, VOICE, Vietnamese Democracy Activist, cùng đứng tên trong một bản kêu gọi, bầy tỏ quan tâm đặc biệt đến việc CSVN bắt giam ít nhất 11 người nổi tiếng về đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và quyền sở hữu đất đai nhưng lại bị chế độ vu cho tội tuyên truyền chống chế độ.

Họ nêu ra một số vụ bắt giữ gần đây như bắt bà Cấn Thị Thêu và hai người con của bà (Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư), bà Nguyễn Thị Tâm ở Dương Nội, các facebooker Vũ Tiến Chi; Nguyễn Thị Cẩm Thúy; và Lê Hữu Minh Tuấn, một trong những thành viên trẻ nhất của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.

Trước đó, chế độ Hà Nội đã bắt Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam Phạm Chí Dũng vào Tháng Mười Một, năm 2019 và Phó Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Nguyễn Tường Thuỵ vào Tháng Năm vừa qua. Đồng thời bắt cựu thành viên, nhà báo kỳ cựu Phạm Chí Thành cũng cuối Tháng Năm, 2020.

Thân nhân và thân hữu đòi trả tụ do cho nhóm “Hiến Pháp” sắp bị lôi ra tòa ngày 31 Tháng Bảy, 2020 tới đây. (Hình: FB Nga Kim)

Họ đều bị vu cho là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống chế độ độc tài, đảng trị và cực kỳ tham nhũng tại Việt Nam với bản án có thể tới 20 năm tù.

“Những vụ bắt giữ này thể hiện sự leo thang nghiêm trọng hơn nữa của nhà cầm quyền Việt Nam, sự không khoan dung từ lâu đối với giới bất đồng chính kiến và đàn áp đối với người bảo vệ nhân quyền, người hoạt động và nhà báo.” Bản lên tiếng nói trên viết như vậy và bày tỏ “lo ngại trước các mối đe dọa đối với nhiều cá nhân, trong đó có Phạm Đoan Trang, một tác giả được quốc tế công nhận, chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình một cách ôn hòa.”

Theo bản lên tiếng trên, Bộ Công An coi các bài viết và sách của Phạm Đoan Trang “mang nội dung tuyên truyền chống nhà nước.” Bởi vậy, vào ngày 10 Tháng Bảy, cô buộc phải thông báo rời khỏi Nhà Xuất Bản Tự Do để “bảo vệ sự an toàn của các thành viên khác. Hiện cô đang lẩn trốn và đối diện với nguy cơ bị bắt giữ cao.”

Bức thư ngỏ nói trên “nhắc nhở chế độ Hà Nội rằng với tư cách là một quốc gia tham gia Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR), Việt Nam có nghĩa vụ phải bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do biểu đạt và thông tin theo Điều 19 của ICCPR. Và trên hết, như được nhấn mạnh trong Nhận Xét Chung số 34 của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ‘Tự do ngôn luận và biểu đạt là điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển toàn diện của con người và là điều cần thiết cho bất kỳ xã hội nào.’”

Họ đòi hỏi CSVN chấm dứt đàn áp các cá nhân và tổ chức trên; phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm; và tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của mọi công dân, phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Theo thống kê của tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền (Defend the Defender- DTD), tính đến ngày 30 Tháng Sáu, năm 2020, CSVN đang giam giữ ít nhất 276 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT