“Tư lệnh lực lượng Mỹ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cảnh cáo Bắc Kinh là sẽ đối phó với các tàu hải giám, tàu “dân quân biển” như tàu quân sự của Trung Quốc.” Đô Đốc John Richardson được báo Anh Quốc Financial Times (FT) cho biết qua một cuộc phỏng vấn phổ biến trên mạng hôm Chủ Nhật, 28 Tháng Tư, 2019.

Tư mấy năm qua, người ta đã thấy nhiều chuyên viên phân tích tình hình Biển Đông báo động về lực lượng bán quân sự quá đông đảo của Trung Quốc hoạt động ở khu vực. Bắc Kinh sử dụng lực lượng này để tránh cái tiếng sử dụng võ lực, áp đảo các nước nhỏ phía Nam trong cuộc tranh giành chủ quyền biển đảo cũng như nguồn lợi thủy sản.

Nhờ vậy, Bắc Kinh có thể tin rằng nó sẽ không dẫn đến chiến tranh toàn diện dù bị mang tiếng là hà hiếp, cậy đông cậy khỏe bắt nạt.

Trong cuộc phỏng vấn của báo Financial Times, Đô Đốc Richardson nói ông “xác định rõ rệt rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ không (thể) bị hiếp đáp và vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thường lệ và hợp pháp trên thế giới.”

Những điều ông Richardson nói với báo FT là một trong những điểm nổi bật trong sự thay đổi chủ trương của Hoa Kỳ khi ông đến Trung Quốc gặp tư lệnh Hải Quân Trung Quốc, Phó Đô Đốc Shen Jinlong (Thẩm Kim Long) hồi Tháng Giêng vừa qua.

Lực lượng Hải Giám, Hải Cảnh của Trung Quốc gồm cả những tàu lớn như khu trục hạm của Mỹ với số lượng được ước tính khoảng 130 tàu lớn nhỏ, theo bản phúc trình hàng năm của Ngũ Giác Đài. Các đội tàu này đã gia tăng gấp đôi trong 9 năm qua, một số được đóng mới và một số là chiến hạm hải quân được tân trang và gỡ bỏ một ít loại võ khí không phù hợp cho tàu bán quân sự.

Lực lượng “dân quân biển” là các tàu đánh cá cỡ vừa và cỡ lớn là bao nhiêu tàu? Không thấy có những con số chính xác nhưng con số cũng phải hàng ngàn tàu. Mỗi năm sau khi Bắc Kinh giải tỏa lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông vào mùa Hè cho đến đầu Tháng Tám, hàng ngàn tàu đánh cá từ Hải Nam, Quảng Đông ùa xuống như lá tre.

Hồi Tháng Ba vừa qua, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn cho hay, tại khu vực hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn, thường trực có tới 300 chiếc tàu đánh cá cỡ lớn của Trung Quốc hiện diện tại mỗi đảo. Chúng là tàu đánh cá nhưng không thấy có vẻ gì đánh cá kiếm tiền. Hai đảo nhân tạo Subi và Vành Khăn có các cảng biển, phi đạo dài 3,000 mét đủ dài cho các phi cơ quâ sự lớn nhất của Trung Quốc lên xuống. Trên hai đảo này còn có các đài radar, các giàn hỏa tiễn phòng không, hỏa tiền chống tàu biển, hệ thống viễn thông vệ tinh.

Theo phúc trình của CSIS, các tàu “dân quan biển” của Trung Quốc che giấu sự hiện diện của chúng ở khu vực bằng cách chối bỏ sự nhận diện bằng Hệ Thống Nhận Dạng Tự Động – Automatic Identification Systems (AIS). Muốn tìm thấy chúng từ vệ tinh và radar, phải quét bằng kỹ thuật tia cực tím.

Hồi Tháng Hai vừa qua, Trung Quốc đã cho hơn 200 chiếc tàu đánh cá “dân quân biển” có tàu Hải Cảnh hộ tống tới ngăn chặn Philippines sửa chữa phi đạo trên đảo Pag-asa mà Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.