Saturday, April 20, 2024

Ngân hàng Việt Nam: Nợ xấu ngày càng cao

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tranh luận kịch liệt nhưng cuối cùng Quốc Hội vẫn chưa đồng thuận về cách thức giải quyết nợ xấu, giờ mới được xác định là khoảng 600,000 tỷ đồng Việt Nam.

Nợ xấu là nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi. Nói cách khác, nợ xấu càng cao thì khả năng gặp rủi ro của hệ thống ngân hàng càng lớn.

Trước, chính phủ liên tục trấn an cả Quốc Hội lẫn dân chúng rằng họ đã kiểm soát được nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay đã giảm đáng kể.

Các phúc trình chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ phúc trình của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định, đến hết năm 2015, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã giải quyết được 493,000 tỷ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2.46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.

Ðến Tháng Tư vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam mới thú thật là tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần phúc trình chính thức. Nếu xét cả nợ xấu mà công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng Việt Nam (VAMC) đang giải quyết và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8.86% tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.

Nay, lúc đề nghị Quốc Hội thông qua “Nghị Quyết Về Xử Lý Nợ Xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ tiết lộ, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17.21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600,000 tỷ đồng!

Choáng váng trước những số liệu này, nhiều đại biểu của Quốc Hội đề nghị tạm gác việc thông qua nghị quyết bởi vì việc đệ trình và đề nghị thông qua nghị quyết quá đột ngột, nằm ngoài chương trình nghị sự, họ cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn trước khi bỏ phiếu.

Ðể thuyết phục các đại biểu gật đầu, ông Lê Minh Hưng, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, trấn an: Khác với những lần trước, nghị quyết lần này rất chặt chẽ, không tổ chức hay cá nhân nào có thể lợi dụng. Mặt khác, Ngân Hàng Nhà Nước đang chấn chỉnh hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, một người vừa là đại biểu Quốc Hội, vừa là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), dọa thêm, gần như toàn bộ nợ xấu là tiền dân gửi và các ngân hàng gom lại cho vay, thành ra phải có “cơ chế đặc thù” để bảo vệ những người dân đã gửi tiền cho hệ thống ngân hàng. Cũng theo lời ông Thắng thì Việt Nam là quốc gia duy nhất không có ngân hàng hàng nào sụp đổ khi nợ xấu vượt 10% tổng số tiền cho vay.

Một số đại biểu Quốc Hội tán thêm rằng nợ xấu như “cục máu đông” có thể làm kinh tế quốc gia đột quỵ.

Cần nhắc lại rằng, nhiều chuyên gia kinh tế từng khẳng định, nợ xấu của Việt Nam phình to vì hàng loạt chủ trương sai lầm của giới lãnh đạo Việt Nam: Phê duyệt vô tội vạ các dự án phát triển, cho phép các tập đoàn nhà nước đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực tài chính…

Một số chuyên gia công khai bày tỏ sự nghi ngờ rằng những sai lầm vừa kể là cố ý, nhằm hỗ trợ việc moi tiền của hệ thống ngân hàng. Giới lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước cũng bị họ cáo buộc là thủ phạm làm nợ xấu của Việt Nam phình to khi hành sử hết sức khó hiểu đối với việc mua bán, sáp nhập nhiều ngân hàng, khiến một số cá nhân, nhóm dù không có thực lực vẫn thâu tóm được ngân hàng để biến tiền mà dân chúng gửi vào thành nợ xấu.

Tuy nhiên khi bàn về nghị quyết mới để giải quyết nợ xấu, cả thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước lẫn các đại biểu Quốc Hội đều lờ chuyện truy cứu trách nhiệm. (G.Ð)

Đình chỉ 3 cán bộ Bệnh viện Hòa Bình làm 8 người chạy thận chết

MỚI CẬP NHẬT