Friday, April 26, 2024

Gia đình các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đón Tết trong buồn thảm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tết là ngày gia đình sum họp đầm ấm nhưng các gia đình có người thân bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù vì quan điểm chính trị trái chiều thì đầy buồn thảm.

Nhằm nâng đỡ tinh thần thân nhân những người có chồng, con bị nhà cầm quyền CSVN bỏ tù chỉ vì có quan điểm chính trị trái chiều, một số người tham gia đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam đã đi thăm vợ nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, bà mẹ nhà báo Phạm Đoan Trang.

Các bà vợ tù chính trị gặp nhau ở Sài Gòn. (Hinh: FB Cô Mười họ Lê)

Ông Nguyễn Tường Thụy, năm nay 68 tuổi, đã bị kết án 11 năm tù vào ngày 5 Tháng Giêng, 2021, trong phiên tòa ở Sài Gòn cùng một vụ án với ông Phạm Chí Dũng (15 năm tù) và Lê Hữu Minh Tuấn (11 năm tù). Họ đều bị vu cho tội “làm, tàng trữ, hoặc phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam.

Ngày 10 Tháng Hai dương lịch tức ngày 30 Tết tại Việt Nam, bà Phạm Thị Lân viết trên trang Facebook cá nhân nỗi niềm thương xót người chồng đang chịu đựng khổ ải trần gian trong nhà tù: “Ngày hôm nay 30 tết. Ôi cái cảm giác nhớ quay nhớ quắt một người không cùng dòng máu.”

Nhận được lời than đó, cựu tù nhân lương tâm Vũ Hùng và một số người nữa trong hội “Bầu bí tương thân” mà ông Thụy từng là thành viên sáng lập, đã đến thăm và an ủi, chúc tết bà Lân.

Bà viết trên Facebook là “Cảm ơn hội bầu bí tương thân đã đến chia sẻ động viên tôi trong ngày tết. Chúc các anh em năm mới thật nhiều sức khoẻ và an lành.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh cùng một số người nữa đến nhà bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang bị giam giữ ở Sài Gòn) để an ủi bà.

Bà Thúy Hạnh kể trên trang Facebook rằng: “Vẫn biết gặp có thể làm phiền bà (vì các con trai của bà không bằng lòng cho bà gặp các người bạn của Đoan Trang), nhưng trong lòng thôi thúc chúng tôi vẫn cứ đến dẫu chỉ được nắm tay bà, ôm bà một cái rồi đi ngay cũng mãn nguyện, để bà hiểu rằng Đoan Trang không cô đơn, không bị bỏ rơi.”

Bà Thúy Hạnh kể: “Khi chúng tôi đến gần nhà, bỗng thấy bà đang đi trên đường, về phía chúng tôi. Mừng quá chúng tôi dừng xe, và bảo bà rằng không phải vào nhà nữa, gặp ở đây là được rồi. Bất chợt bà ôm lấy chúng tôi, nức lên và òa khóc.”

“Trời lạnh giá, đường khuya không một bóng người, chúng tôi cứ đứng ôm nhau giữa ngã tư trong tiếng nức nở nghẹn ngào của bà mẹ. Bà áy náy, buồn vì không thể tiếp đón chúng tôi ở nhà. Cứ như vậy bà khóc thành tiếng, ‘Con ơi, các bạn con đến chơi mà mẹ không tiếp được,’ bà thốt lên rồi lại nức nở. Dường như lâu lắm rồi bà mới khóc, nước mắt lặn vào trong hôm nay mới trào ra. Chúng tôi cố kìm nước mắt, động viên bà.”

“Sợ đứng giữa đường lạnh, chúng tôi giục bà đi vào nhà, dẫu trong lòng bịn rịn chưa muốn chia tay.

Chúng tôi đứng lặng im nhìn theo bà, lưng còng, mỗi bước chân nhấc lên khó nhọc như thể bị gắn vào mặt đường, tiếng nức nở vẫn không ngớt vọng lại. Rồi bóng bà khuất dần vào đêm chỉ còn mờ mờ một dấu chấm hỏi… Bao giờ trời mới sáng?”

Phạm Đoan Trang, nhà báo độc lập và nhà hoạt động nổi tiếng, bị nhà cầm quyền CSVN bắt ngày 6 Tháng Mười, 2020, cáo buộc bà “có mối quan hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong” và “tuyên truyền chống nhà nước” với bản án có thể nặng như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy…

Bà Bùi Thiện Căn (thứ 2 từ phải), mẹ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đang bị tạm giam chưa có án, òa khóc khi gặp các người bạn của con gái mình giữa đêm lạnh ngày tết ở Hà Nội. (Hình: FB Nguyễn Thúy Hạnh)

Một người vợ tù nhân lương tâm khác, bà Nguyễn Thị Tình, vợ thầy giáo Nguyễn Năng tĩnh đang bị tù với bản án 11 năm cũng bị vu cho tội “tuyên truyền” chống chế độ độc tài đảng trị CSVN, cho hay qua một bài viết trên Facebook nỗi niềm “Buồn thương anh vô cùng tận. Cũng thương cho bản thân mình nỗi nhớ mong chồng quay quắt tiếp tục kéo dài chưa biết đến bao giờ!”

Bà cho biết nhà cầm quyền lấy cớ dịch bệnh COVID-19 nên không cho bà gặp chồng, lại cũng không cho gừi quà tiếp tế dù bà lặn lội từ Đồng Tháp đến nhà tù ở miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Bà than rằng: “Lúc đi em rất khỏe vì nghĩ anh sẽ được nhận đồ. Ấy vậy mà, đồ cũng không gửi được nên cuối cùng phải gửi bưu điện, coi như chuyến gửi bưu điện của Tháng Hai. Vậy là, anh phải chờ nữa. Em thương anh hết sức, buồn và mệt vô cùng, cảm thấy đường về như dài gấp bội.”

Các bà vợ tù nhân lương tâm thường xuyên bị công an gọi đến trụ sở thẩm vấn, đe dọa, không cho họ viết gì đụng chạm đến chế độ hoặc chuyện chồng họ bị tù tội trên mạng. Tuy nhiên, không người nào tỏ ra sợ hãi. (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT