Friday, April 26, 2024

Người dân quyên góp hơn $32,000 giúp các nạn nhân Đồng Tâm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chỉ hai ngày sau khi có lời kêu gọi từ “Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm,” người Việt khắp nơi đã đóng góp hơn $32,000 giúp các nạn nhân bị CSVN đàn áp tại xã Đồng Tâm.

Các con số ghi nhận trên mạng cho thấy tính tới lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày Thứ Hai, 20 Tháng Giêng, 2020, giờ California miền Tây Hoa Kỳ, người Việt khắp nơi đã tự nguyện góp vào trương mục của trang mạng gây quỹ có tên là “Gofundme” một số tiền như kể trên.

Lời kêu gọi của “Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm” đưa ra sau khi bà Nguyễn Thúy Hạnh loan báo tài khoản của bà tại ngân hàng Vietcombank đã bị phong tỏa ngày 17 Tháng Giêng, 2020 theo lệnh của công an CSVN với số tiền hơn 528 triệu đồng (khoảng $22,800) mà bà đứng ra nhận tiền phúng viếng, yểm trợ dân Đồng Tâm rồi chuyển lại cho gia đình nạn nhân.

Bộ Công An CSVN xác nhận phong tòa tài khoản của bà Thúy Hạnh lấy cớ số tiền đó có dấu hiệu “tài trợ khủng bố.”

Bà Thúy Hạnh chỉ được biết tài khoản bị phong tỏa khi đến ngân hàng Vietcombank (tức Ngân Hàng Ngoại Thương, một ngân hàng quốc doanh) làm thủ tục rút tiền để chuyển đến cho gia đình các nạn nhân tại Đồng Tâm. Trên mạng người ta thấy hàng trăm hàng ngàn lời nguyền rủa một chế độ “táng tận lương tâm” ăn cướp cả tiền phúng viếng một đám ma.

“Nhóm Hành Động Vì Đồng Tâm” gồm 5 người phụ nữ quen thuộc với phong trào đấu tranh dân chủ hóa tại Việt Nam gồm Phạm Đoan Trang, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Quỳnh Vi và Phạm Thanh Nghiên, đứng ra lập tài khoản trên trang gây quỹ phổ biến trên mạng “Gofundme” từ ngày 18 Tháng Giêng, 2020, và còn tiếp tục nhận đóng góp trực tiếp.

Những ai muốn tiếp tay đóng góp hoặc quảng bá, có thể vào trang mạng:  https://www.gofundme.com/f/chungtaygiupdodongbaodongtam

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, ngày 20 Tháng Giêng, 2020, đã đến Ngân Hàng Vietcombank tranh luận và yêu cầu cho bà rút số tiền nói trên nhưng vẫn không được. Trên đường về, cả bà và chồng là ông Huỳnh Ngọc Chênh đã bị “một lực lượng mặc thường phục bắt cóc về số 3 Nguyễn Gia Thiều,” một cơ sở của công an CSVN, tra hỏi.

“An ninh làm việc với tôi về tài khoản ở Vietcombank. Tôi trả lời đúng như thực tế, rằng tài khoản của tôi chỉ nhận tiền phúng điếu cụ Kình, chứ chẳng có khủng bố nào cả. 6 giờ tối họ thả chúng tôi về.” Bà Thúy Hạnh kể trên trang facebook cá nhân.

Theo Luật Sư Đặng Đình Mạnh viết bình luận trên trang facebook cá nhân: “Tài trợ khủng bố hoặc phúng điếu có thể xác định bằng mốc thời gian. Tiền gởi sau thời điểm ông cụ đã mất cũng như sau khi có lời thông báo nhận chấp điếu thì đương nhiên là tiền phúng điếu. Ở vào thời điểm người thì chết, hàng chục người bị bắt, thì lấy đâu ra nghi can ‘khủng bố’ nữa mà tài trợ ‘khủng bố’?”

“Đồng thời, người gởi có ghi rõ mục đích phúng điếu thì không ai có quyền kết luận khác đi được. Lấy lý do ‘ngăn chặn dòng tiền tài trợ khủng bố’ để phong tỏa số tiền của hàng nghìn người gởi phúng điếu là cách chọc giận dân nhanh nhất và lan tỏa nhất. Sao họ cứ loay hoay ‘Lấy đá ghè chân mình’ nhỉ?”

Trên trang mạng gây quỹ “Gofundme” người ta thấy lời kêu gọi: “Hãy chung tay giúp đỡ gia đình cụ Lê Đình Kình và bà con Đồng Tâm, ít nhất để những người sống sót còn có thể tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền của mình, để thuê luật sư bảo vệ tính mạng những người đang bị giam cầm với các tội danh do công an dựng lên.”

Lời kêu gọi đóng góp trên trang gây quỹ “Gofundme” thúc giục: “Hãy chung tay giúp đỡ gia đình cụ Lê Đình Kình và bà con Đồng Tâm, để chính quyền công an trị hiểu rằng họ không thể mãi dối trời lừa dân, ngậm máu phun người. Công lý phải được thực thi và nhân quyền phải được bảo vệ trên mảnh đất Việt Nam này.”

Ông Lê Đình Kình bị lực lượng công an CSVN bắn chết vào đêm 9 Tháng Giêng, 2020, khi nhà cầm quyền xua một lực lượng đông hàng ngàn người vào làng Hoành, xã Đồng Tâm, đàn áp dân chúng địa phương để chặn trước các chống đối việc cướp 59 mẫu đất cánh đồng Sênh.

Nhà cầm quyền lấy cớ cánh đồng Sênh là “đất quốc phòng” nhưng dân địa phương trưng ra các văn bản địa bạ chứng minh khu đất mà nhà cầm quyền CSVN muốn cướp đoạt “nằm ngoài địa giới đất quốc phòng.”

Nhà cầm quyền huyện Mỹ Đức đã tổ chức cưỡng chế hồi Tháng Tư, 2017, nhưng dân xã Đồng Tâm đã bắt giữ khoảng 40 cán bộ và cảnh sát cơ động làm áp lực đòi thả 4 người dân, trong đó có ông Lê Đình Kình bị công an lập mưu bắt cóc. Cuộc điều đình dẫn tới những lời hứa hẹn của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội sẽ giải quyết êm đẹp vụ tranh chấp đất đai.

Sau khi các con tin được dân chúng thả ra, nhà cầm quyền đưa ra kết luận thanh tra vẫn cả quyết 59 mẫu đất đồng Sênh là “đất quốc phòng.” Đêm 9 Tháng Giêng, 2020, hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động với đầy đủ trang bị võ khí được đưa tới Đồng Tâm, tấn công vào nhà các người bị coi là cầm đầu dân chúng địa phương chống lệnh cưỡng chế.

Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị bắn chết, khoảng 30 người bị bắt giữ bị vu cho tội “Giết người.” Ngoài ông Kình, phía nhà cầm quyền nói 3 sĩ quan cảnh sát cơ động bị chết. Cái chết của họ có những nguyên nhân thế nào, không có nguồn tin độc lập nào để kiểm chứng trong khi dư luận không tin những gì nhà nước tuyên truyền.

Trong thông cáo hôm 16 Tháng Giêng, 2020, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Amnesty International (Ân Xá Quốc Tế) lên án chế độ Hà Nội tăng cường trấn áp với các vụ bắt người và kiểm duyệt mạng xã hội, nhằm dập tắt những tranh luận về vụ tranh chấp đất đẫm máu tại xã Đồng Tâm. (TN)

MỚI CẬP NHẬT