Thursday, April 25, 2024

Người nghèo ở Hà Nội mất phương hướng trong đại dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cùng 11 tỉnh thành khác, Hà Nội tiếp tục “cách ly xã hội” thêm ít nhất một tuần nữa, khiến những người lao động nghèo chơi vơi, mất phương hướng tìm kế sinh nhai chỉ còn cơm trắng.

Họ là những người dân nghèo ở các tỉnh thành lân cận xuống làm việc, thuê phòng ở trong những xóm trọ tạm bợ quanh phường Phúc Tân, phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), hay những khu vực nghèo khác.

Theo báo Zing, tại các xóm trọ tạm bợ ở phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), hàng trăm lao động nghèo làm đủ các ngành nghề từ kéo xe, bốc hàng, xe ôm… đều là những nghề không thiết yếu, bắt buộc phải tạm dừng trong thời gian Hà Nội “cách ly xã hội.”

Song, sống trong cảnh “ăn không ngồi rồi” không có người thân, gia đình bên cạnh do “mắc kẹt” ở lại Hà Nội vì “Về quê chẳng may sẽ lây bệnh cho gia đình, dù sao Hà Nội cũng là một thành phố đang có dịch,” như anh Nguyễn Văn Tới cho biết, nhiều người lại cảm thấy chơi vơi.

Người và xe kéo ở xóm trọ phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, “ế việc” nhiều ngày qua. (Hình: Duy Hiệu/Zing)

Anh Nguyễn Văn Tường, chuyên bốc hàng tại chợ Đồng Xuân, cho biết từ ngày 29 Tháng Ba, khi chợ đóng cửa để phòng dịch COVID-19 cũng là ngày anh không có việc làm cho đến nay. Mỗi ngày, anh Tường quanh quẩn tại xóm trọ, ăn uống tạm bợ chờ đợi thông tin chợ mở cửa để quay lại công việc.

Tương tự, anh Thiều Viết Khánh, chạy xe ôm “công nghệ,” cũng tạm thời nghỉ việc được gần hai tuần. Những ngày qua, anh Khánh dùng số tiền tích góp trước đây để trang trải cuộc sống và dành phần lớn thời gian trong căn phòng trọ chật hẹp, nấu ăn rồi tìm những trò giải trí trên điện thoại cho qua ngày.

Trong khi đó, bà Cao Thị Thắng (59 tuổi), kéo hàng thuê tại chợ Long Biên (quận Ba Đình), cho biết do không có nguồn thu nhập nào khác nên từ ngày 1 Tháng Tư đến nay, bà phải chạy ăn từng bữa ăn. Nhiều lúc biết không nên ra đường vì dịch bệnh, nhưng bà vẫn phải loanh quanh các bãi rác để nhặt ve chai bán lấy tiền thêm thắt bó rau, quả trứng cho bữa cơm.

Có những ngày hết rác, bà Thắng phải vay hàng xóm 20,000-30,000 đồng (khoảng $1) để mua thức ăn. Một quả trứng vịt chiên, không có nước mắm, bà dùng muối để làm gia vị cho chén bí luộc. “Có đạm, có rau thế là đủ rồi,” bà cười nói.

Ông Nguyễn Văn Bình (phải) lo lắng nếu kéo dài cách ly không biết lấy tiền đâu để trả cho nhà trọ và chi phí điện, nước. (Hình: Duy Hiệu/Zing)

Trong căn phòng trọ chừng 10 mét vuông, ông Nguyễn Văn Bình lo lắng sau khi hết “cách ly xã hội,” các tiểu thương không đến chợ Long Biên lấy hàng thì công việc của mình “sẽ ra sao ngày sau.” Giờ đây, ông chỉ mong ngóng ngày hết dịch hoàn toàn để được đi làm, bởi vì dù ở trong căn phòng trọ tạm bợ ông vẫn phải trả chi phí từ nhà trọ, điện, nước.

Cách căn gác nhỏ trên phố Hàng Buồm 2 cây số về phía bãi sông Hồng, 10 ngày nay mẹ con bà Nguyễn Thị Dung (hơn 50 tuổi, quê huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) sống qua ngày bằng gạo cứu tế và đồ ăn thừa của hàng xóm.

Theo báo VNExpress, xóm trọ nơi bà Dung ở nằm trong một vườn bưởi, nơi người ngụ cư tứ xứ thuê những chái nhà vài mét vuông sau chợ Long Biên, kiếm ăn bằng nhiều việc tay chân, người kéo xe, bốc vác, người bán bánh mì, nước chè, lượm rác, ve chai.

Buổi chiều, tiếng cọ xoong nồi và mùi xào nấu lan khắp các góc bếp. Căn nhà cuối xóm của bà Dung không nổi lửa. Đứa con gái 15 tuổi bị bệnh tâm thần ôm chân mẹ trông ra cửa, hít hít, nhận ra mùi trứng rán bên nhà hàng xóm, đòi ăn. Bà Dung kéo con vào nhà, đóng cửa tránh ngửi mùi thức ăn.

Cuối Tháng Ba xe hàng ít về, chợ Long Biên vắng hoe. Việc ít, tiểu thương cũng ưu tiên thuê những người khỏe, làm nhanh. Được một xe chở dứa quen thương tình thuê ba chuyến trả công 50,000 đồng ($2.13) bà Dung chia ra, mẹ con ăn ba ngày, sáu bữa trứng gà dầm nước mắm thật mặn.

Chợ Long Biên buôn bán về đêm, nơi tập trung của nhiều người kéo xe, bốc vác mưu sinh. (Hình: Thanh Huế/VNExpress)

Bốn năm nay, bà Dung bắt đầu quãng đời nằm viện nhiều hơn chạy chợ. Nằm nghỉ dăm ngày bà mới dậy làm được một tối. Giờ vai bà chỉ gánh được 20 kg, đêm bốn chuyến, có bận đang gánh quả qua đường thì ngã ra bất tỉnh.

Đầu Tháng Tư, đến hạn trả tiền thuê nhà, bà Dung lôi những đồng bạc lẻ ra đếm đi đếm lại được 200,000 đồng ($8.53), phải chạy sang nhà hàng xóm vay thêm 1 triệu đồng ($42.67) để đóng. Khi chưa dịch và còn nhiều việc, mỗi lần vay tiền bà Dung khất mươi ngày sẽ trả. Nhưng giờ bà không dám hứa, người hàng xóm cũng không nỡ đòi.

Nhờ có dịch, Hà Nội xuất hiện “ATM gạo” miễn phí, siêu thị 0 đồng cho lao động nghèo không còn việc. Bà Dung không biết thông tin, cũng không còn sức đi bộ hàng chục cây số để nhận đồ từ thiện.

Theo lịch ngày 15 Tháng Tư, Bộ Lao Động-Thương Binh và Xã Hội trình chính phủ CSVN dự thảo về các nhóm được hưởng trợ cấp 62,000 tỷ đồng ($2.64 tỷ). Những người làm thuê như bà Dung, bà Thắng, anh Tường, ông Bình… có cơ hội “được xem xét hỗ trợ.”

Thế nhưng trong khi chờ được cứu trợ  và đợi ngày Hà Nội hết “cách ly xã hội,” trở lại sinh hoạt bình thường, những người nghèo “ráo mồ hôi hết tiền” như họ không biết có vượt qua được hay không khi phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” do không thể ra đường mưu sinh. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT