Saturday, April 27, 2024

‘Người tù thế kỷ’ Nguyễn Hữu Cầu qua đời ở Rạch Giá

KIÊN GIANG, Việt Nam (NV) – Nguyễn Hữu Cầu, tù nhân lương tâm bất khuất tại Việt Nam, được rất nhiều người kính trọng gọi là “người tù thế kỷ” vừa qua đời ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, hưởng thọ 76 tuổi.

Con trai của ông cho hay ông mất ngày 19 Tháng Mười Hai. Ông sinh năm 1947, thọ 76 tuổi. Một số Facebooker loan truyền theo tin ông qua đòi kèm theo cáo phó của gia đình cho biết ông sẽ được hỏa táng vào ngày 22 Tháng Mười Hai.

Ông Nguyễn Hữu Cầu chụp hình với quân phục đại úy hồi Tháng Tư, 2014, sau khi ra tù lần thứ hai. (Hình: wikipedia.org/Vietnamsaigon75)

Ông Nguyễn Hữu Cầu, quê quán ở tỉnh Kiên Giang, là đại úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), xuất thân Khóa 6/68 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức theo lệnh tổng động viên sau khi Cộng quân mở chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân. Ông phục vụ tại tiểu khu Quảng Nam rồi bị quân Cộng Sản bắt khi Quân Khu I thất thủ đầu Tháng Tư, 1975.

Ông đã bị CSVN bỏ tù hai lần, tổng cộng 37 năm. Lần đầu là hơn năm năm “tù cải tạo” khi VNCH sụp đổ. Đến năm 1981, ông gửi đơn tố cáo đích danh Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nguyễn Thế Đồng và phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang tham nhũng và hãm hiếp một số phụ nữ vượt biên tìm tự do nhưng bị bắt trở lại. Trong số các nạn nhân của hai tên này có cả trẻ vị thành niên.

Đơn tố cáo của ông gửi đi nhiều nơi, gồm cả nhà cầm quyền trung ương tại Hà Nội và tờ báo Nhân Dân. Thay vì được cứu xét để điều tra theo lời kêu cứu của các nạn nhân thì lá đơn lại gửi ngược lại cho chính những kẻ bị ông tố cáo. Ông Cầu đã bị bắt với sự vu cáo “chống phá nhà nước CHXHCN” rồi kết án tử hình năm 1983, dựa vào một vài bài thơ và ca khúc do ông sáng tác.

Ông cương quyết không nhận tội và cùng thân nhân liên tiếp làm đơn kháng cáo nên bản án giảm xuống còn tù chung thân khi xử phúc thẩm năm 1985. Ông bị biệt giam tại khu giam tù chính trị ở trại tù Z30A Xuân Lộc, Đồng Nai.

Theo lời ông kể lại, suốt thời gian ở tù, ông đã viết hơn 500 lá đơn kêu oan nhưng không thấy kết quả gì. Các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ Tây phương, Văn Bút Quốc Tế, đã rất nhiều kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ông khi được con ông báo động về sức khỏe càng ngày càng sa sút trầm trọng.

Năm 2013, cháu gái của ông 14 tuổi được cha cháu dẫn đi thăm ông nội. Quá xúc động, cháu gửi đơn kêu cứu đi khắp nơi, kể cả các tổ chức quốc tế, nói cháu xin đi tù thế chỗ cho ông nội. Cháu kể rằng chỉ gặp và nghe ông kể chuyện trong vòng 30 phút thì được biết, sau hơn 20 năm ở tù trong điều kiện biệt giam tệ hại và không được săn sóc sức khỏe, ông đã “mù mắt trái, mắt phải chỉ còn thấy mờ mờ, suy tim nặng, máu không lên não được, hay bị xỉu, răng rụng hết chỉ còn một chiếc, đau dạ dày kinh niên và tóc bị nấm.”

Cai tù nhiều lần đề nghị ông làm đơn xin giảm án nhưng ông đã không chấp nhận mà chỉ làm đơn kêu oan vì không phạm tội gì như bị vu cáo. Ở trong tù, ông làm thơ và sáng tác một số ca khúc chỉ trích chế độ bất công, độc ác nên nhiều lần bị cùm chân.

Cáo phó ông Nguyễn Hữu Cầu. (Hình: Facebook Khanh Nguyễn)

Trước áp lực mạnh của quốc tế và cũng thấy ông chẳng còn sống được bao lâu nên đã thả ông về ngày 21 Tháng Ba, 2014. Cai tù đưa ông tờ giấy “đặc xá” yêu cầu ông ký vào đó nhưng ông đã từ chối, đòi bỏ từ “đặc xá” vì ông không phạm tội gì cả. Hơn 37 năm tù với muôn vàn nỗi khổ nhục và đau đớn thể xác vẫn không bẻ gãy được tính cương trực, bất khuất của Nguyễn Hữu Cầu.

Các bạn tù được thả ra trước ông đều ca ngợi Nguyễn Hữu Cầu như một biểu tượng đáng kính trọng trong nghịch cảnh. Ông thực hiện đúng biểu tượng của Trường Bộ Binh Thủ Đức đã tuyên thệ khi tốt nghiệp mãn khóa huấn luyện: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.

“Từ biệt ông Nguyễn Hữu Cầu, một công dân dám sống với cuộc đời công chính và lẽ phải,” Facebooker Khanh Nguyễn, tức nhạc sĩ Tuấn Khanh, viết trên mạng. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT