Thursday, April 25, 2024

Người Việt ra ngoại quốc lao động trốn ở lại ngày càng tăng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau thảm kịch 39 người bị chết tại Anh Quốc, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế tại Việt Nam đã cảnh báo về tình hình “di cư lao động bất hợp pháp” trong số hàng trăm ngàn người Việt Nam đi làm việc ở ngoại quốc đang tăng mạnh.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30 Tháng Mười, 2019, dẫn số liệu từ Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) cho biết số lượng người Việt Nam ra ngoại quốc làm việc đang tăng mạnh. Riêng trong năm 2019, tuy mới mười tháng nhưng đã có hơn 142,000 người lao động xuất cảnh (trong đó 50,000 nữ lao động) đi làm việc theo hợp đồng.

Ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội, xác nhận với báo Công Lý, số lượng người Việt Nam ra ngoại quốc lao động đang tăng nhanh. Nếu năm 2017 xấp xỉ 100,000 người, thì năm 2018 tăng lên 143,000 người. Riêng năm nay tuy chưa hết năm nhưng đã có hơn 142,000 người. Địa bàn “xuất khẩu lao động” được mở rộng ra một số nước như Đức, Úc, Romania, Séc… Theo ước tính của chính phủ, người lao động di cư gửi về nhà (ở Việt Nam) $2.5-$3 tỷ mỗi năm.

Báo Hải Quan dẫn một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (IOM) cho thấy, người lao động Việt Nam đã phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở ngoại quốc, nhưng có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư loa động, cho dù quyết định lựa chọn của họ là hợp pháp hay không hợp pháp.

Người dân chen lấn nộp hồ sơ xin đi “xuất khẩu lao động.” (Hình: An Ninh Thủ Đô)

Hơn ba phần tư lao động Việt Nam được phỏng vấn (77% lao động nam và 75% lao động nữ) trả lời rằng họ bị “vi phạm quyền lao động khi làm việc ở ngoại quốc.”

“Hiện, trong các bộ Luật của Việt Nam chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan nào trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho số lao động này để có thể bảo đảm quyền và lợi ích của họ được bảo vệ khi làm việc ở ngoại quốc, cũng như khi về nước,” ông Chang Hee Lee, giám đốc ILO Việt Nam phân tích.

Ông Chang Hee Lee, cho biết thêm theo thống kê của ILO số lượng người dân Việt Nam gần đây ra ngoại quốc làm việc gia tăng. Bên cạnh số người “xuất khẩu lao động” chính thức còn kiểm soát được, hiện nay tình trạng người lao động Việt Nam bỏ trốn hay di cư sang các nước trong khu vực và Châu Âu cũng đang tăng mạnh.

Theo phúc trình giám sát gần đây nhất của Ủy Ban Về Các Vấn Đề Xã Hội của Quốc Hội CSVN, trong giai đoạn 2010-2017, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có hơn 111,000 người đi “xuất khẩu lao động” làm việc ở ngoại quốc. Điều đáng nói là hai tỉnh trên cũng đứng đầu về tình trạng người lao động bỏ trốn ở lại, hoặc di cư lậu sang nơi khác.

Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN về việc lao động Việt Nam ra ngoại quốc bỏ trốn, lao động “chui,” ông Đào Ngọc Dung, thừa nhận: “ Thời gian qua tỷ lệ người ‘xuất khẩu lao động’ theo kênh chính thức tăng, nhưng cùng với đó tỷ lệ lao động đi ‘chui’ cũng tăng theo đáng kể.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT