Thursday, April 18, 2024

Nguyễn Phú Trọng ‘chỉ thị’ Quốc Hội thông qua Hiệp Định CPTPP

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 2 Tháng Mười Một, 2018, các báo ở Việt Nam đồng loạt đăng tin Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc Hội CSVN thông qua Hiệp Định CPTPP (Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương).

Việc Quốc Hội CSVN phê chuẩn hiệp định này dự trù vào ngày 12 Tháng Mười Một là thủ tục mang tính hình thức vì tổ chức này lâu nay vẫn được truyền thông quốc tế gọi là “con dấu cao su,” do luôn thông qua mọi dự luật theo chỉ thị từ Bộ Chính Trị “với đa số phiếu tán thành và đạt sự đồng thuận cao.”

Báo Zing dẫn lời ông Trọng: “Việc Quốc Hội CSVN sớm phê chuẩn Hiệp Định CPTPP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện.”

Hồi Tháng Ba, 2018, Bộ Trưởng Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh đã ký kết hiệp định này Santiago, Chile, cùng đại diện mười quốc gia khác.

Hiệp Định CPTPP dự trù có hiệu lực vào ngày 30 Tháng Mười Hai, 2018, do đã có sáu nước chính thức thông qua gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.

Giới quan sát đánh giá nhà cầm quyền CSVN đang bám víu vào CPTPP cũng như Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam–EU (EVFTA) và xem cả hai là “phép màu mới hồi sinh” cho nền kinh tế và làm giảm quan ngại về nợ công gia tăng sau khi từng thất vọng vì Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp Định TPP hồi Tháng Giêng, 2017.

Theo báo VNExpress, giới chức CSVN kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 1.32% vào năm 2035 khi tham gia CPTPP và khi đó “thành tích” tăng GDP sẽ được chính phủ đem ra khỏa lấp những yếu kém trong chính sách điều hành nền kinh tế.

Đáng lưu ý, truyền thông của Hà Nội khi tường thuật về hiệp định này chỉ tập trung nhấn mạnh vào những tác động tích cực đến nền kinh tế như một cách tuyên truyền mà gần như không đề cập gì đến thách thức phải đổi mới thể chế, pháp luật cũng như cam kết bảo vệ môi trường, quyền lao động và quyền tự do thành lập nghiệp đoàn…

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa thông qua ba công ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO), gồm Điều 87 về thành lập nghiệp đoàn độc lập, Điều 98 về thương lượng tập thể và Điều 105 về quyền chống cưỡng bách lao động và cũng không cho thấy chỉ dấu sẽ cam kết thực hiện ký kết trong tương lai.

Trong một diễn biến khác, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp Chế của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích trên trang cá nhân: “Sau khi tụt ba bậc trong chỉ số cạnh tranh quốc gia của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) cách đây hai tuần, Việt Nam tiếp tục tụt một bậc trong Doing Business 2019, từ 68 xuống 69 trong bảng xếp hạng Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh của Ngân Hàng Thế Giới (WB). Trong các thước đo của WEF và WB, năm nay Việt Nam đều tụt hạng, có lẽ đòi hỏi các cải cách trong nước cần mạnh mẽ và thực chất hơn!” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT