Friday, April 26, 2024

Nhiều dự án ‘nhạy cảm’ của Việt Nam bị Trung Quốc thâu tóm

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngoài bất động sản có vị trí trọng yếu mà Bộ Quốc Phòng CSVN đã công bố, nhiều dự án “nhạy cảm” liên quan đến an ninh quốc phòng của CSVN như năng lượng, tài nguyên, thương mại điện tử… đã bị các doanh nghiệp “bình phong” của Trung Quốc thâu tóm.

Theo báo Thanh Niên, trong lĩnh vực năng lượng rõ nhất là dự án Nhiệt Điện Vĩnh Tân 1 (tỉnh Bình Thuận) có tổng mức đầu tư $1.75 tỷ, thuộc sở hữu của công ty lưới điện Phương Nam Trung Quốc (chiếm 55% vốn), và công ty điện lực quốc tế Trung Quốc (chiếm 40% vốn), trong khi tổng công ty điện lực Việt Nam (Vinacomin) chỉ nắm giữ có 5%.

Tương tự, dự án Nhiệt Điện Vũng Áng 2 (tỉnh Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư $2.18 tỷ, cũng do công ty One Energy Asia (Hồng Kông) làm chủ sau khi thâu tóm lại cổ phần từ hai công ty của Việt Nam.

Chưa dừng lại, tại dự án Nhiệt Điện Vĩnh Tân 3 (tỉnh Bình Thuận), công ty One Energy cũng chiếm đến 55% vốn để kiểm soát, trong khi tổng công ty Điện Lực Việt Nam (EVN) chỉ nắm 29% và tập đoàn Thái Bình Dương giữ 16% vốn.

Ngoài ra, còn nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) khác có giá trị lớn do các công ty Trung Quốc thực hiện dưới dạng mua cổ phần chi phối.

Cụ thể như tập đoàn China Investment nhận chuyển nhượng 19% cổ phần ($96.9 triệu) từ một tập đoàn Việt Nam để đồng sở hữu liên doanh nhà máy Nhiệt Điện Mông Dương 2 (tỉnh Quảng Ninh).

Trong khi dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới $4.4 tỷ ngoài khơi cảng Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận), được công ty cổ phần đầu tư HLP (HLP Invest) đề nghị thủ tướng CSVN cho làm chủ đầu tư. Sau đó, tổng giám đốc HLP cùng nhóm các cổ đông đã chuyển nhượng 99% cổ phần cho công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu Tư Vina Solar, thuộc tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) làm chủ, và hai cá nhân người Trung Quốc, mỗi người 0.5% còn lại.

Vina Solar và một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nhập cảng thiết bị, linh kiện năng lượng mặt trời và cho xây trụ sở, nhà máy tại tỉnh Bắc Giang lên đến $280 triệu, nhưng không hề lập bảng đánh giá tác động môi trường…

Doanh nghiệp Trung Quốc thành lập khu Our City ở quận Dương Kinh, Hải Phòng, dành riêng cho công dân của mình vào đánh bạc, vui chơi. (Hình: Tiến Thắng/Tuổi Trẻ)

Tờ Thanh Niên cho hay về thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến lĩnh vực đang trở thành “huyết mạch” bán lẻ, tài chính của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng bị các doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba, Tencent… nhảy vào chi phối.

Chẳng hạn như “Sàn thương mại điện tử Tiki” nằm trong “Top 10” tại Đông Nam Á, hiện do JD.Com International, còn được biết với tên Jingdong, một trong hai nhà bán lẻ B2C khổng lồ của Trung Quốc, chiếm đến 22.2% cổ phần, cùng với Ubiquitous Traders (8.82% cổ phần), nắm giữ.

Ngoài Tiki, các công ty bán hàng qua mạng như Shopee có sự hậu thuẫn lớn của Tencent (Trung Quốc) với mức đầu tư 2,500 tỷ đồng ($107.12 triệu) trong năm 2019. Hay Lazada Việt Nam có sự góp mặt của Alibaba với mức đầu tư hơn $4 tỷ trong giai đoạn 2016-2019.

Riêng các dự án thiết yếu liên quan trực tiếp đến an ninh quốc phòng như xăng dầu, hàng không, ngân hàng…, do có quy định không cho ngoại quốc đầu tư trực tiếp, thì các nhà đầu tư Trung Quốc đi “đường vòng,” lập các quỹ mua lại cổ phần… thâu tóm để trở thành cổ đông lớn hoặc nắm quyền kiểm soát, chi phối.

Báo Thanh Niên cho biết, để thâu tóm các dự án, ban đầu người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam, góp vốn thấp hơn phía Việt Nam (vốn chủ yếu bằng đất có sẵn) và chịu để cho người Việt điều hành. Sau một thời gian, phía Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành. Do tài sản góp vốn phía Việt Nam là đất, nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay Trung Quốc. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT